Trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho bốn công trình xuất sắc

NDO -

NDĐT - Ngày 17-5, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự, trao giải và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trưởng của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh.

Trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho bốn công trình xuất sắc

Phát biểu tại buổi lễ, GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam cho biết, Giải thưởng năm nay có quy mô lớn hơn, có ba hội đồng khoa học chuyên ngành được thành lập để đánh giá, phản biện từng công trình, đồng thời có các chuyên gia phản biện độc lập... Để làm rõ hơn tính ứng dụng thực tiễn của công trình, cơ quan thường trực Giải thưởng đã đi thực tế tại các địa phương, nơi đã ứng dụng, triển khai các công trình xét thưởng, lập báo cáo kết quả chi tiết. Đây là cơ sở để Hội đồng Giải thưởng xác định, chọn ra các tác giả xứng đáng.

Giải thưởng năm nay được trao cho bốn công trình xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ đã được triển khai ứng dụng, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước.

Công trình "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” (GS.TS Lê Trần Bình, PGS.TS Ðinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) và TS Trần Xuân Hạnh (Công ty Cổ phần Vật tư thuốc thú y Trung ương) đã nghiên cứu được quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1, trên cơ sở đó, Công ty Vật tư thuốc Thú y trung ương (Navetco) ứng dụng kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1. Đây là vắc-xin cúm gia cầm đầu tiên được nghiên cứu, sản xuất ở Việt Nam, với tên sản phẩm là Navet-Vifluvac. Vắc-xin đã lưu hành trên thị trường từ năm 2012 đến nay. Hằng năm, có hàng trăm triệu liều được sản xuất, góp phần quan trọng trong phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam.

Công trình "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" (TS Nguyễn Văn Thao - Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam), PGS, TS Ðoàn Ðình Phương (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam), TS Lê Văn Thụ (Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an) đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

Công trình "Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế" (PGS, TS Trịnh Văn Tuyên, kỹ sư chính Mai Trọng Chính - Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam), PGS, TS Nguyễn Thế Ðồng (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý chất thải phù hợp tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thực tế, đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước.

Công trình "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" (GS Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long) đã chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. GS Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao giải thưởng cho tác giả và nhóm tác giả của bốn công trình đoạt giải nêu trên. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng các nhà khoa học đoạt giải thưởng. Đồng thời, cảm ơn và chúc mừng các nhà khoa học đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được kết quả trong nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào kết quả toàn diện của đất nước trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, từ kiến nghị của cộng đồng khoa học, hiện nay, Chính phủ đang bàn để đưa ra các giải pháp đột phá phát triển KH và CN trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Tới đây, sẽ cùng các nhà khoa học bàn về các cơ chế, chính sách để KH và CN thật sự là khâu đột phá. Chính sách thuế, phân bổ nguồn lực, mua sắm, đấu thầu phải đồng bộ để doanh nghiệp có động cơ tăng đầu tư vào KH và CN; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tạo thị trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu…