Trao Giải thưởng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

NDO - Ngày 25/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và Trao Giải thưởng nghệ thuật năm 2022 khu vực Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên ngành múa.
0:00 / 0:00
0:00
Vinh danh các tác giả hội viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - đợt 10.
Vinh danh các tác giả hội viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - đợt 10.

Tổng kết công tác năm 2022, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam điểm lại những hoạt động nổi bật mà Hội đã thực hiện trong năm qua trên các lĩnh vực: nghiệp vụ chuyên môn, công tác chi hội, phát triển hội viên, công tác đối ngoại…, tiêu biểu như: tổ chức trại sáng tác tại Đà Lạt; tổ chức chuyến thâm nhập thực tế di sản múa dân gian các dân tộc H’mông, Nùng Dín, La Chí tại Lào Cai; hội nghị công tác chi hội vùng và Tọa đàm “Phát triển nghệ thuật múa từ công tác xây dựng mô hình hoạt động chi hội” tại miền trung (Bình Định) và miền nam (Cần Thơ); phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo, thực hiện các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc…

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương cho biết: Trên tinh thần đổi mới, gắn các sự kiện, hoạt động của công tác Hội với đời sống thực tiễn đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày nay, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xây dựng kế hoạch và định hướng hoạt động tập trung vào các lĩnh vực: sáng tác-biểu diễn, đào tạo-huấn luyện, nghiên cứu lý luận-phê bình, nghệ thuật phong trào nhằm kết nối sức mạnh, năng lực, tâm huyết và sáng tạo để nâng cao khả năng đổi mới trong tư duy sáng tạo, góp phần xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Theo đó, trong năm 2023, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam dự kiến tổ chức một số hoạt động trọng tâm như: tổ chức Cuộc thi tác phẩm múa dân gian dân tộc; Liên hoan múa Dance Market - Hội tụ và Toả sắc; lớp tập huấn biên đạo phong trào; lớp tập huấn cho giảng viên múa nước ngoài; một đợt thâm nhập thực tế cho giảng viên múa dân gian dân tộc; tọa đàm về vai trò và sự liên kết giữa âm nhạc và múa trong sáng tạo tác phẩm; xây dựng Đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Ngày truyền thống nghệ thuật múa Việt Nam…

Trao Giải thưởng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam ảnh 1
Trao Giải thưởng hạng A cho các tác giả có tác phẩm múa, chùm tiểu luận xuất sắc.

Tại buổi lễ, Hội đã tổ chức mừng thọ các hội viên cao tuổi; vinh danh các tác giả hội viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - đợt 10; đồng thời trao Bằng khen của Hội cho các chi hội, hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2022.

Cũng tại buổi lễ, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã công bố và trao Giải thưởng nghệ thuật múa năm 2022, với 8 Giải thưởng hạng A, 11 Giải thưởng hạng B; 5 Giải thưởng hạng C cho các tác phẩm múa, chùm tiểu luận, công trình sách; 5 giải Chất lượng đào tạo loại A, 11 giải Chất lượng đào tạo loại B cho các chương trình thi tốt nghiệp.

Cùng với đó là 3 Giải Tài năng biểu diễn loại A dành cho các nghệ sĩ; 11 Phần thưởng loại A; 2 Phần thưởng loại B dành cho các tác phẩm múa, chùm múa phong trào, chùm bài báo, chương trình thi tốt nghiệp.

Trao Giải thưởng hạng A cho các tác giả có tác phẩm múa, chùm tiểu luận xuất sắc.

Đánh giá về chất lượng nghệ thuật các tác phẩm,công trình múa năm qua, Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhận định: Số lượng các tác phẩm tham dự liên hoan, hội diễn, cuộc thi không tăng nhưng chất lượng đã cho thấy diện mạo mới, với sự quy tụ lực lượng diễn viên, biên đạo, huấn luyện chuyên nghiệp. Các tác phẩm được xây dựng công phu từ ý tưởng, nội dung, kết cấu chặt chẽ, sáng ý, mang đến nhiều cảm xúc.

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu đào tạo cùng đội ngũ huấn luyện trong các cơ sở đào tạo trong toàn quốc ngày được chuẩn hóa về chất và lượng. Công tác nghiên cứu lý luận ngành gặp không ít khó khăn, hạn chế nhưng nay đã có sự khởi sắc. Các vấn đề được đề cập, khai thác, phân tích, đánh giá và nêu hướng giải quyết, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của tác giả.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng, xây dựng tác phẩm nghệ thuật, chương trình đào tạo, công trình nghiên cứu lý luận về múa phải phát huy được tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo, công sức của nghệ sĩ nói riêng và các nhà quản lý, tổ chức nói chung, phải thực sự tạo đà cho những đột phá trong việc huy động nhiều nguồn lực,khích lệ phát triển nghệ thuật thời đại mới - thời đại 4.0. Để làm điều này, bên cạnh vai trò về quản lý nhà nước, đòi hỏi các tác giả phải cập nhật thực tiễn, tự thay đổi mình, trau dồi kiến thức nghề nghiệp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại có chọn lọc, thấm nhuần tư tưởng văn hóa dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.