Trao đổi Việt Nam-Nhật Bản về dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế

NDO - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực hệ thống trong công tác dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế tại Việt Nam".
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu, chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam và Nhật Bản tham dự hội thảo
Các đại biểu, chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam và Nhật Bản tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có đông đảo đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý, bệnh viện tuyến trung ương và các tỉnh, thành phố, các trường đại học y trên toàn quốc, chuyên gia các hội dinh dưỡng- tiết chế trong nước; đại diện Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản và một số bệnh viện của Nhật Bản.

Mục tiêu của hội thảo là đánh giá kết quả hoạt động Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống đào tạo về dinh dưỡng tại Việt Nam (VINEP) và định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo; chia sẻ các thông tin về hoạt động dinh dưỡng lâm sàng-tiết chế tại Việt Nam; học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế tại Nhật Bản.

Từ năm 2013, với sự hỗ trợ của Quỹ Ajinomoto, dự án VINEP được triển khai. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia dinh dưỡng từ Hội dinh dưỡng tiết chế Nhật Bản, giáo sư một số trường đại học của Nhật Bản đã giúp Trường đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng đầu tiên tại Việt Nam. Cử nhân dinh dưỡng với trình độ đại học hệ chính quy là nguồn nhân lực quan trọng để triển khai, thực hiện các hoạt động dinh dưỡng, nhất là trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng.

Trao đổi Việt Nam-Nhật Bản về dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế ảnh 1

Chuyên gia dinh dưỡng đến từ Nhật Bản trao đổi về công tác dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế tại Nhật Bản

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và Nhật Bản cùng thảo luận về những kết quả đạt được, những khó khăn thuận lợi của hoạt động dinh dưỡng lâm sàng-tiết chế tại Việt Nam, trong đó nêu rõ thực tế vai trò của cử nhân dinh dưỡng và tình hình sử dụng cử nhân dinh dưỡng tại các bệnh viện.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội Tiết chế dinh dưỡng Nhật Bản và các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong ngành dinh dưỡng-tiết chế đã chia sẻ thông tin về đào tạo đại học và sau đại học đối với cử nhân dinh dưỡng tại Nhật Bản; chia sẻ về kinh nghiệm, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề đối với cử nhân dinh dưỡng; công tác phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị dinh dưỡng cho người bệnh ở các lĩnh vực ngoại khoa, hồi sức tích cực.

Đây là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam để thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng-tiết chế; và để thực hiện cấp giấy chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ: Dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển thể lực, trí lực và thể chất của con người; góp phần phát triển giống nòi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia, dân tộc.

Từ năm 2011 đến nay, các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện theo Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng. Nhiều mục tiêu quan trọng của Chiến lược đã đạt được như: Mục tiêu cải thiện khẩu phần; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng…

Trao đổi Việt Nam-Nhật Bản về dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của Việt Nam chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đặt ra về vi chất, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tại Việt Nam được xác định đó là yếu tố nguồn nhân lực còn thiếu, hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng, kinh nghiệm; tổ chức hệ thống tuyến quản lý, thực hiện triển khai các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng ở các khu vực, vùng miền và trên phạm vi toàn quốc còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa đồng đều.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: công tác dinh dưỡng tiết chế hiện nay còn có những khó khăn như chưa có quy định rõ ràng về việc cử nhân dinh dưỡng sau tốt nghiệp cần trang bị thêm gì để được cấp chứng chỉ hành nghề. Cử nhân dinh dưỡng chưa có quyền chủ động trong việc thăm khám, tư vấn về dinh dưỡng, phụ thuộc vào bác sĩ dinh dưỡng…

Các bệnh viện có khoa dinh dưỡng còn mới, chưa được lãnh đạo, bác sĩ lâm sàng quan tâm; nhiệm vụ và công việc của cử nhân dinh dưỡng chưa được phân công rõ ràng, phải đảm nhiệm nhiều chức năng khác của điều dưỡng, hành chính. Chính sách lương của một số bệnh viện còn hạn chế nên cử nhân dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn trong thu nhập…

Hội thảo đã cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà quản lý, lãnh đạo, các chuyên gia dinh dưỡng định hướng các hoạt động, chính sách phát triển năng lực hệ thống trong công tác dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.