Ngày 14/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia và doanh nghiệp liên quan.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu - Cần hướng đến thị trường
Nội dung được sửa đổi, bổ sung tập trung về nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa);… Qua đó, ghi nhận và tổng hợp các ý kiến, phản biện từ cộng đồng xã hội đối với những văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng và tác động to lớn tới đời sống người dân và nền kinh tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, Bộ Công thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây và dự kiến trình Chính phủ trong quý II năm 2024.
Cũng theo ông Phan Văn Chinh, dựa trên nguyên tắc, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp và xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu nên dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần này đã có sự điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới như về công thức và cơ chế xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu, các điều kiện kinh doanh như kho chứa xăng dầu, kết nối dữ liệu, kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu và bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu cùng các điều kiện khác...
Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Đoan Việt Trần Thụy Thùy Trâm khẳng định: Cần phải đưa “định mức kinh doanh” hay còn gọi là “chiết khấu” vào dự thảo Nghị định mới và phân rõ định mức ở các khâu như đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Hiện nay, có thể thấy rõ, định mức kinh doanh nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối nhưng về đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại không có phần này. Trong khi đây là doanh nghiệp trực tiếp đưa sản phẩm thiết yếu tới tay người tiêu dùng. Mặc dù là quy mô bán lẻ, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng chịu đủ tất cả các chi phí như doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Trịnh Quang Khanh chia sẻ tại hội thảo. |
Do vậy cần quy định, chiết khấu tối thiểu ở khâu doanh nghiệp bán lẻ là 5,6% để đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận từ 6-7%. Chi phí này tách rõ, rạch ròi 3 khâu; trong đó, chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ từ 6-7% và không thấp hơn 5%.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng cho rằng, trong nhiều năm qua, đã có nhiều bất cập về thể chế pháp luật và cơ chế quản lý, thậm chí đã có thời điểm khan hiếm xăng dầu đến mức độ khủng hoảng, gây nhiều hậu quả tiêu cực. Đó là các thiệt hại cho nền kinh tế, an ninh xăng dầu của đất nước không được bảo đảm, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi để cùng cạnh tranh bình đẳng, cùng tồn tại và phát triển bền vững trên thương trường nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của xã hội và người tiêu dùng.
Tiếp tục lấy ý kiến liên quan Nghị định về xăng dầu
Do đó, việc sửa đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp để ban hành các quy định và khung pháp luật mới cho hoạt động kinh doanh xăng dầu là cần thiết. Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả xã hội và người tiêu dùng đều trông đợi và hy vọng các đổi mới căn bản có tính đột phát từ Nghị định mới đang được Bộ Công thương soạn thảo để trình Chính phủ ban hành,…
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Trịnh Quang Khanh nhấn mạnh, cần lược bớt những quy định chung chung trong dự thảo nghị định nếu không khi thực hiện, doanh nghiệp rất dễ bị bắt lỗi. Dẫn 3 quy định liên quan đến xăng dầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra văn bản bãi bỏ nhưng dự thảo vẫn đưa vào, ông Khanh cho rằng, cần bỏ các quy định khác liên quan đến việc buộc doanh nghiệp phải xây dựng kho chứa 2.000m3. Bởi, quy định hiện nay cho doanh nghiệp được phép thuê kho nhưng tại sao lại quy định trong dự thảo buộc doanh nghiệp phải tự xây dựng kho,…
Nêu quan điểm tại hội thảo, Vụ trưởng Thị trường trong nước Phan Văn Chinh khẳng định: Mọi văn bản pháp lý phải xuất phát từ thực tiễn. Cơ quan soạn thảo mong muốn nghe được ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều để xây dựng nghị định tốt nhất. Mục tiêu dự thảo muốn giảm bớt đa mục tiêu trong quản lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hài hòa lợi ích của các bên...