Cùng suy ngẫm

Nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo quy định tại Luật Giá (Luật số 11/2012/QH13), việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá là có thời hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn được áp dụng thường xuyên, liên tục, đồng thời theo quy định, việc quản lý Quỹ bình ổn giá đang được giao cho nhiều cơ quan tham gia như Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp,…
0:00 / 0:00
0:00

Việc này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý kịp thời cùng sự đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Kết quả thanh tra ngày 4/1/2024 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Bộ Công thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi quỹ tính cho một đơn vị sản lượng, khi bình ổn giá theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TT/BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư số 103/2021/TT-BCT, dẫn đến từ năm 2017 đến năm 2021, liên bộ Công thương-Tài chính quyết định mức trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật.

Cụ thể, liên bộ đã quyết định chi bình ổn giá khi giá chưa tăng với số tiền hơn 1.142 tỷ đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá 318 tỷ đồng; tại kỳ điều hành từ ngày 1/1/2017 đến trước 15 giờ ngày 23/4/2018 đã ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng, dẫn đến 19/27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai chủng loại xăng Ron 95 với số tiền hơn 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ hơn 679 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, do các cơ quan quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp trong quản lý cũng như chậm xử lý vi phạm về quỹ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dẫn đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền hơn 7.927 tỷ đồng, trong đó, có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ ba lần trở lên, có ba thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích lập và chi sử dụng Quỹ đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập quỹ sai hơn 4,7 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ sai hơn 22,5 tỷ đồng,…

Việc điều hành và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua chưa phát huy hiệu quả. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá, không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Trong khi các nước chuyển sang dự trữ bằng nguồn xăng dầu, Việt Nam lại dự trữ bằng Quỹ bình ổn giá và những gì xảy ra đã được dự báo từ trước.

Mặt khác, để thị trường xăng dầu hoạt động hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, ngoài dự trữ bằng nguồn xăng dầu, cần phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, trong đó, để doanh nghiệp tự chủ hạch toán. Đồng thời, cần cắt bớt đầu mối trung gian, đi thẳng từ cung cấp hàng hóa đến bán lẻ nhằm cắt giảm tối đa các khoản chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc giá tăng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.

Do vậy, về lâu dài Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.