Tràm Chim, một sắc thái mới

NDO - Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai; công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim có diện tích hơn 7.300 ha, nằm trên địa bàn sáu xã của huyện Tam Nông (Ðồng Tháp) vừa vinh dự trở thành khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, năm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đã tới đây thưởng ngoạn.
Sếu đầu đỏ.
Sếu đầu đỏ.

Sau những ngày làm việc căng thẳng, chuyến dã ngoại đến với VQG Tràm Chim khám phá, tận hưởng bầu không khí trong lành giữa bạt ngàn tràm xanh sẽ xua tan mệt nhọc. Vào mùa nước lên (từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch), du khách đi tham quan bằng thuyền tắc ráng, sẽ được tận hưởng phong cảnh tuyệt đẹp với những đầm sen trắng, hồng thuần khiết đan xen đủ loài hoa đồng nội; với vô vàn loài chim như cò, le le, trít, diệc, vịt trời, cồng cộc...và cả những đàn cá đồng vẫy đuôi tung tăng dưới mặt nước xanh biếc.

Hệ chim nước ở VQG Tràm Chim rất đa dạng với 231 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Rất nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như ngan cánh trắng, cốc đế, giang sen, bồ nông chân xám, già sói... Ðặc biệt là loài sếu đầu đỏ xuất hiện ở Tràm Chim năm 1986. Từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 âm lịch hằng năm là thời điểm sếu bay về cư trú. Khi ấy, du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn từng đàn sếu bay lượn trên bầu trời hòa cùng vũ điệu với muôn vàn loài chim. Hệ thực vật tại VQG này cũng rất đa dạng gồm các đồng cỏ ngập nước theo mùa; rừng tràm tái sinh và các đầm lầy. Cây tràm phân bố rộng khắp trong VQG gồm các khu tràm tự nhiên rải rác xen lẫn trong các trảng cỏ và đầm lầy. Tại Tràm Chim có năm quần xã cỏ dại chính, trong đó có quần xã cỏ năng và lúa ma chiếm ưu thế và có ý nghĩa bảo tồn rất lớn. Các quần xã cỏ khác và dạng thảm thực vật nổi quan trọng như cây sen, cây súng đang được phục hồi, nhân rộng.

 Thả mình hòa cùng thiên nhiên xong, về lại điểm xuất phát, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đậm chất hoang sơ, thú vị đặc sản nơi đây như cá lóc đồng nướng trui cuộn lá sen non cùng các loài rau chỉ có ở Tràm Chim; chim vạc vừa ra ràng nướng...

Cũng giống như ba khu Ramsar đất ngập nước khác của nước ta, VQG Tràm Chim đang phải đối mặt với các tác động dẫn đến hệ sinh thái đang dần bị suy thoái... Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc VQG, đối với khu bảo tồn đất ngập nước ở vùng rừng tràm và đồng cỏ ngập nước theo mùa như VQG Tràm Chim, vấn đề quản lý chế độ ngập nước gắn với phòng cháy, chữa cháy đồng cỏ và rừng tràm có sự tham gia của người dân trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm có ý nghĩa quyết định đối với kết quả bảo tồn đa dạng sinh học. Hy vọng việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng và phát triển tài nguyên thiên nhiên của VQG Tràm Chim một cách bền vững sẽ sớm được triển khai, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây.