Quyết định không nuối tiếc

Đại dịch đã làm thay đổi suy nghĩ của người thầy thuốc trẻ này và từ đó biến thành những hành động quyết liệt để cứu dân, giảm đi đau thương của cuộc sống, của chính mình. Một năm mới sắp đến, cuộc sống của thầy thuốc Nguyễn Đặng Phương Ngọc vẫn xoay vần quanh hai chữ "chống dịch" và "cứu người".

Với bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc, tình người trước lằn ranh sinh tử thật cao quý, vậy nên giúp đỡ người khác cũng chính là giúp bản thân mình.
Với bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc, tình người trước lằn ranh sinh tử thật cao quý, vậy nên giúp đỡ người khác cũng chính là giúp bản thân mình.

Dịch vào TP Hồ Chí Minh khi Ngọc đang là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố. Cũng như nhiều bác sĩ trẻ, ngoài giờ làm việc, Ngọc tham gia các đội tình nguyện giúp dân đang trong các khu phong tỏa khi toàn bộ các ngõ ngách đều bị khóa kín. Hai giờ khuya hôm ấy, rã rời khi về đến điểm tập kết ở UBND phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân), Ngọc sửng sốt trước cảnh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường cùng toàn bộ công chức đang gò lưng… nhập liệu tiêm ngừa. Điều này rất dễ hiểu khi phường là điểm nóng nhất trong tâm dịch bởi có gần 8.000 F0, khoảng 300 ca tử vong liên quan Covid-19 trên tổng dân số 102 nghìn (gần bằng dân số một quận) trong khi chỉ có 7 nhân viên y tế (số liệu cuối tháng 11/2021).

Sốc hơn nữa khi trong các ngày đồng hành làm tình nguyện viên tại phường, Ngọc liên tục chứng kiến hàng chục cán bộ công an, quân sự địa phương, y tế, ủy ban, đoàn thể… dính F0. Vậy là Ngọc quyết định xin… nghỉ việc, tập trung giúp dân, xem như góp một phần tuổi trẻ với bà con lao động phường Bình Trị Đông. Hỏi về Ngọc, Trưởng Trạm Y tế phường Phan Thị Bích Phương thán phục: "Bé Ngọc cừ hơn bất kỳ nhân viên y tế nào. Khi dịch căng thẳng, chúng tôi có thêm bảy nhân viên y tế lưu động, hàng chục tình nguyện viên và quân y tăng cường nhưng Ngọc là một trong những người can đảm nhất, dám bỏ công việc để giúp dân trong vùng dịch".

"Bé Ngọc" mà bác sĩ Phương thán phục chỉ nặng chưa đến 40 kg, vóc người mảnh khảnh như học sinh nhưng di chuyển như con thoi trên chiếc super cup 50 phân khối giữa các khu phố để làm nhiều việc, trong đó có nhiệm vụ ít người dám trải qua: test lấy mẫu tử thi! Đi với "bé" cận cảnh vài trường hợp mất tại nhà trong hẻm 639/73 đường Hương Lộ 2, mới thấy "bé" cứng cỏi như thế nào. Tại nhà ông Nguyễn Nam Hùng, trong khi cả xóm "nấp kín" trong nhà thì Ngọc nhẹ nhàng chia buồn, đối chiếu giấy tờ người mất rồi đánh giá sơ bộ, sau đó khấn vái: "Tôi là bác sĩ, xin phép ông cho tôi được lấy mẫu xét nghiệm để chính quyền hỗ trợ việc mai táng. Mong ông sớm siêu thoát…". Còn tại nhà gần đó, tử thi bà Lê Thị Thiệt nằm chơ vơ trên ghế bố giữa khuya. Do chưa chuẩn bị kịp đã có điện thoại của gia đình báo, Ngọc yêu cầu người viết bài này xin que test, chạy sang khu phố bên cạnh "vay" bộ đồ bảo hộ, rồi bắt tay vào công việc đầy ám ảnh nhưng rất nhân văn. Bởi người mất trong lúc giãn cách, người mất do Covid-19 đều rất cần được hỏa táng sớm, cần được hỗ trợ quan tài, kinh phí hỏa táng… mà test tử thi để xác định nguyên nhân tử vong là nguyên tắc bắt buộc!

Nhiệm vụ chính và ít ai dám làm trong gần 200 ngày ở tâm dịch Bình Trị Đông đã khiến Ngọc trở nên vô cùng mạnh mẽ. Thế nên, dù đã tự tay test hàng chục tử thi, tận mắt chứng kiến nhiều tư thế, hình hài người xấu số, Ngọc cũng chưa hề rớt nước mắt mà chỉ muốn làm cho thật tốt, để giúp họ thanh thản. Nhưng mới đây, khi dịch đang chạm đỉnh, bác sĩ trẻ này đã khóc khi không kịp cứu một F0 tử vong trong hàng trăm ca mà cô tận tay chạy xe máy mang thuốc, mang bình oxy đến từng hẻm nhỏ lo cho bà con. Ấy là một cụ bà đơn thân bị nhiễm bệnh khi thành phố giăng dây từng hẻm hóc. Bà được phát hiện sau ba ngày nhịn đói, khát trên giường. Khi Ngọc xuống, cơ thể bà gầy đét lại, môi bong tróc vì khô, huyết áp tụt sâu nên Ngọc đưa bà đi cấp cứu. Ca này, bác sĩ trẻ phải cãi nhau nảy lửa với một cơ sở thu dung điều trị, thì nơi đây mới tiếp nhận. Song cụ bà không qua khỏi do Covid-19 cộng suy kiệt nặng. Lúc này, "người thân" duy nhất của bà, cũng là Ngọc.

Nhớ lại những ngày khốc liệt, khi đón tin ba, mẹ, mợ… đều nhiễm bệnh, Ngọc không khỏi rùng mình. "Khi ấy, em đang trực chiến thì nghe tin. Trời đêm mưa to, em chạy như vô định trong mưa về nhà, gọi điện thoại cầu cứu khắp nơi và chưa bao giờ có cảm giác bất lực như thế. Nhưng rồi cũng có người được Bệnh viện Dã chiến số 12 và số 13 tiếp nhận; có người không vượt qua. Một năm quá nhiều tang thương với gia đình em…", Ngọc kể với ánh mắt xa xăm! Đáng buồn nhất là trong khi chống dịch, bà ngoại của nữ bác sĩ bị nhiễm bệnh ở nơi cư trú. Bình thường, Ngọc là cá nhân chuyên test tử thi, chăm lo mai táng, chuyển tro cốt về cho bà con nhưng với bà ngoại của mình, Ngọc không thể làm trọn vẹn. Bà nhiễm bệnh ngày 13/7, đến ngày 8/8 thì Ngọc biết tin dữ qua điện thoại, rồi 10 ngày sau thì nhận hũ tro. Để xóa đi nỗi đau riêng, không còn cách nào hơn, Ngọc quay sang chăm lo các F0 khác, như một cách tự xoa dịu tâm hồn mình.

Cư dân ở Bình Trị Đông những ngày sau cơn "bão đời" đã quay lại cuộc sống bình thường, nhưng với nữ bác sĩ tình nguyện này, giông bão trong lòng vẫn chưa dứt. Đó là hằng ngày vẫn có quá nhiều F0 mới, lác đác vẫn có người tử vong, những tiếng kêu cứu giữa đêm do UBND phường Bình Trị Đông đã lấy số điện thoại di động của Ngọc làm hotline. Và cứ có sự yêu cầu, là Ngọc lại một mình vác túi thuốc, cặp bình oxy chạy ngay xuống các con hẻm. Đại dịch đã thay đổi quan niệm và suy nghĩ của hàng triệu người, trong đó những cá nhân sống và chiến đấu trong tâm dịch. Ngay như Ngọc và cả người viết bài này, đều tâm niệm "Sự sống là quý giá nhất, còn sống là còn hy vọng, tình người trước lằn ranh sinh tử thật cao quý, hãy cho đi và giúp đỡ người khác bởi đó cũng chính là giúp bản thân mình".

Ngày 2/12, lại đến bà nội của bác sĩ Ngọc nhập viện trong khi cô đang chống dịch xa nhà. Tôi đến góc sinh hoạt tại trụ sở phường Bình Trị Đông, nơi cô "ba tại chỗ" chỉ là chiếc ghế xếp, trên đầu là một đống thuốc và bình oxy xếp san sát. Bà nội của Ngọc năm nay gần 90 tuổi, lại có bệnh nền tiểu đường và tim mạch. Tôi chỉ biết an ủi và cầu mong cho bà chóng qua bởi nơi điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Nhân Dân 115, những đồng nghiệp của Ngọc sẽ không buông tay với bất kỳ F0 nào. Quyết định của em là đúng, an tâm giúp dân chống dịch, Ngọc nhé!