Chốn thiền tâm xứ Huế

NDO - Bất cứ ai đến vãn cảnh chùa Thiên Mụ (Huế) cũng đều cho rằng, người chọn vị trí xây chùa đã rất am hiểu về Phật giáo và kiến trúc đình chùa, phong thủy... Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, ngôi chùa trầm mặc, uy nghiêm tách biệt thế giới trần tục bên ngoài, tạo cho du khách cảm giác thật ung dung thư thái.
Chốn thiền tâm xứ Huế

Từ trung tâm thành phố Huế, qua cầu Tràng Tiền, rồi men theo bờ sông Hương khoảng 5 km về phía xã Hương Long nằm trên đồi Hà Khê là  chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ). Vượt qua những bậc đá mòn vẹt, bước vào sân chùa, mọi cảm giác ưu tư, phiền não của khách thập phương như được xua tan bởi sự thanh tịch, cổ kính của những công trình kiến trúc tâm linh như Phước Duyên Bảo Tháp (hình bát giác, cao bảy tầng),  đại hồng chung, bia đá thời chúa Nguyễn Phúc Chu, điện Ðại Hùng, đình Hương Nguyện cũ...Ðứng ở tháp chuông, sẽ thấy toàn cảnh công trình kiến trúc chùa. Trong khuôn viên chùa là một vườn hoa, cây xanh được chăm sóc vun xới cẩn thận. Ở đó có hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Ðào Tấn, hồ trồng hoa súng trắng, xen lẫn là vườn thông xanh thẳm và những cây đại cổ thụ đang mùa đơm bông.

Có nhiều huyền thoại liên quan tên gọi ngôi chùa, trong đó có một huyền thoại nhiều người dân ở Huế biết rõ. Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ đất Thuận Hóa, trong một lần cưỡi ngựa dọc bờ sông Hương, ông thấy đồi Hà Khê uốn mình nhô ra bên dòng nước xanh mát. Trông xa, tựa như một con rồng đang quay đầu nhìn lại, đến gần giống như hình một con rùa khổng lồ đang bò xuống sông. Ban đêm ở đây thường có một bà lão phúc hậu hiện lên nói với mọi người rằng: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Nghe chuyện, chúa Nguyễn Hoàng lập tức cho dựng chùa trên đồi, hướng thẳng ra sông Hương và đặt tên là "Thiên Mụ Tự".

Vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa được đại trùng tu với hàng chục công trình kiến trúc như điện Thiên Vương, điện Ðại Hùng, nhà Thuyết pháp, nhà Thiền... Chúa còn đích thân viết một bài ký, cho khắc vào bia đá để ca ngợi việc xây dựng các công trình kiến trúc, triết lý của đạo Phật và nhờ người thỉnh hơn 1.000 bộ kinh sách phật giáo từ Trung Quốc về lưu giữ tại chùa. Ðến thời Tây Sơn, chùa bị tàn phá nặng nề, sau đó qua nhiều đời vua được trùng tu cho đến ngày nay.

Bất chợt trong chùa vọng lên tiếng chuông rền vang, thanh tao khiến ai từng một lần nghe không sao quên được. Ðó là tiếng chuông chùa Thiên Mụ, nơi mà người dân xứ Huế coi là chốn thiền tâm của mình.