Theo truyền thuyết, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thì ở làng Ðường Yên có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lự) tuổi 17-18 vẫn chưa lấy chồng, tình nguyện đi theo hai bà đánh giặc. Nữ tướng Lê Hoa chiêu mộ quân sĩ khắp nơi về Ðường Yên làm lễ khao quân vào ngày 25 tháng Chạp. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận và lên ngôi vua, đã phong tước cho bà Lê Hoa là "Nữ sử anh phong", "Tuệ tĩnh phu nhân". Ðến thời Lê Thái Tổ, bà còn được phong là "Giản uyển cương nghị"; thời Duy Tân triều Nguyễn phong "Dực bảo trung hưng linh phù".
Ðất nước thanh bình, bà Lê Hoa vinh quy bái tổ về làng Ðường Yên. Vì là nữ tướng nên khi nước nhà không còn khói lửa đao binh thì phải làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng. Nhưng phải tìm cho bà một phu quân thật sự xứng đáng, và lễ hội "kén rể" ra đời từ đó. Làm tri huyện Ðông Ngàn, đóng đại bản doanh ở Ðường An (nay là làng Ðường Yên), bà Lê Hoa hết sức chăm lo cho đời sống nhân dân. Hằng năm, bà mở hội cầu ấm no, hạnh phúc, kén đàn ông có trí thi tài cho chị em phụ nữ trong vùng. Từ ấy, hội kén rể trở thành lễ hội truyền thống làng Ðường Yên, thuộc ngoại thành Hà Nội, nằm cạnh con sông Cà Lồ mang nhiều truyền tích. Xưa kia làng có tên là Trang Kim Hoa, tên nôm là Kim Con, cách thành Cổ Loa, kinh đô của nhà nước Âu Lạc khoảng năm cây số.
Du khách đến hội được xem nhiều trò chơi dân gian còn lưu giữ và nghe hát quan họ. Mỗi năm, dân làng lại chọn ra những người xứng đáng tham gia hội kén rể. Người được chọn đóng vai bà mẹ của đức thánh Lê Hoa gương mặt phải phúc hậu, gia đình nền nếp và song toàn vợ chồng. Người sắm vai bà Lê Hoa phải là thiếu nữ xinh đẹp, ngoan ngoãn, tài sắc vẹn toàn. Còn thanh niên vào vai chàng rể cũng phải là người thanh lịch, không mắc các tệ nạn. Sau khi hai thanh niên trải qua các phần thi: thi cày, câu ếch, chõng chó, bắt chạch trong chum..., ai thắng sẽ được ban quần áo, mũ hài để làm chàng rể vào trong đình cùng với nữ tướng Lê Hoa làm lễ cưới. Sau đó hai người ra mắt để bà con cùng chúc phúc và hội kén rể kết thúc.
Hội kén rể làng Ðường Yên được phục hồi sau nhiều năm gián đoạn, bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các cụ cao niên và nhân dân thôn Ðường Yên. Nhất là từ năm 2006, sau khi đình làng Ðường Yên được khôi phục lại, hội làng đông vui, náo nức hơn, nhiều du khách từ các vùng lân cận đến dự hội rất đông.