Tôi yêu chợ quê, ngôi nhà và thế giới của tôi miền ven biển Diêm Phố (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Và dù có đi đến đâu, chợ quê sẽ còn lại mãi những hình ảnh, mùi vị riêng trong ký ức, và năm nào tôi cũng muốn tìm về...
Chính không khí chợ quê biển và mỗi khi Tết về đã bao bọc tâm hồn tôi, nuôi dưỡng thầm thĩ từng thứ nhỏ mà bền lâu. Quang cảnh chợ trong rì rầm sóng biển, và gió, và nắng miền biển, tiếng người và trẻ con í ới, tấm bánh tấm quà, quả cau lá trầu, dáng tần tảo đi về trong cuộc đời của bà nội tôi. Sau này, vào những lúc lang thang đi tìm kiếm điều gì chưa tìm được tôi cũng thích tìm về chợ quê, có khi chỉ để được nhìn ngắm các thứ vụn vặt ở chợ, rồi cùng với bạn, muốn được lê la ăn những thức quà quê giản sơ ngon lành như đặc sản rồi ê ê hát lên lời thầm thì yêu mến: Chợ Việt -Quê ơi!
Dù là chợ quê ngày thường có lúc hoang xác, nghèo nàn, thật buồn, nhưng hễ có dịp đến hội hay như vào dịp cận Tết là lạ kỳ thay chợ quê như thắm lại, bừng lên muôn sắc, phồn thực ngồn ngộn đủ các thức nông hải sản. Sau này bất kể chợ quê vùng miền nào nơi tôi có dịp đặt chân đến đều thấy cảm xúc thân thương, đầy giao kết nồng đượm tình làng nghĩa xóm, gắn bó bền chặt giữa con người, gần gũi tiếng nói, tiếng cười, và những cách ẩn dụ văn hóa riêng.
Tôi ấn tượng với những con người góp mặt, làm nên văn hóa chợ. Ví như mợ tôi, chỉ mở hàng gánh giữa chợ bán bánh rán với chảo mỡ sôi ngay tại chỗ bày đặt quầy hàng trên chiếc mâm nhôm trắng. Hôm nào hết hàng về sớm mợ không quên mua các nhu yếu phẩm, rau cỏ đem về. Hôm nào ế hàng thì tôi và cả nhà sẽ chờ cơm mợ muộn hơn nhưng bù lại được ăn bánh rán thỏa thích mà không biết buổi chợ hôm đấy mợ không vui nhưng vẫn luôn đon đả và cười rất tươi. Hay như một bà già da đồi mồi, lưng còng, mặc áo nâu gụ, váy sồi đen, đi chân đất, tai đeo đôi nụ bạc có tuổi sệ xuống mà dân làng gọi bà là "mụ Ngò". Hình như thế, mụ Ngò vẫn ngồi quạt than bán bánh đa nướng giữa chợ quê làng chài ấy bao nhiêu năm rồi từ ngày đầu xuân cho đến sát Tết y như một cái cây gì đó. Nhưng đến buổi chiều thì xuất hiện nhiều hàng bánh đa nướng ven đường bên những nồi than hồng. Những chiếc bánh đa vừng nướng của làng biển đến cận Tết vẫn khiến tôi say mê tưởng tượng như đấy là một bầu trời nhỏ chi chít sao mà mình có thể với được. Ở góc khác lại thấy người ta bán bao nhiêu là thứ quà bánh nhuộm phẩm xanh, đỏ, trái cây vườn quê lắt nhắt cho trẻ con với những xâu táo xanh chua thơm lừng, hay bồ quân đỏ mận ngọt lịm, vài rổ nhót, khế xanh, những chiếc vòng nhựa đủ mầu, xâu nhẫn mỹ ký mạ vàng óng ánh như thật vậy...
Ôi khu chợ thân thương và gần gũi. Biết bao âm thanh quen thuộc giản dị quá đỗi. Ở đó có cả những lời nói thì thầm, những lời ngọt ngào, những lời chanh chua, những lời làm duyên, những lời như tên bắn. Tất cả trộn lẫn vào nhau tạo nên một thứ âm thanh ì ầm, râm ran như một bản nhạc.
Tôi cũng thích những lán bán quần áo hoa đủ mầu sắc sặc sỡ sẽ rất đẹp để diện Tết. Tại những gian hàng này bao giờ cũng thấy những đứa con gái đi chợ níu áo mẹ cho khỏi bị lạc, hé mắt đứng nhìn với vẻ khao khát, thèm thuồng rồi từ đấy lớn lên. Mẹ của nó thì bao giờ cũng đang vội đi mua sắm các thức cho gia đình ngày Tết trước tiên. Nó thì chỉ chờ mẹ mua quà cho riêng mình, thế là hai mẹ con hội thoại. Cô bé nhõng nhẽo nài nỉ: "Mợ mua cái này cho con kìa mợ". Người mẹ trẻ nói oang oang như quát giữa chợ nhưng không phải là mắng cô con gái mà chỉ đang phân trần cho nó hiểu: "Để chốc nữa đã, lại đằng kia mua vài thứ với mẹ hẵng đã, rồi còn về với em ở nhà, cho em ăn khỏi khóc đói kìa". Tôi đoán đứa em nó ở nhà chờ mẹ và chị đi chợ về là một bé trai. Và chỗ này không hiểu sao tôi nghĩ cái phát âm từ "Chợ" có nhẽ bắt đầu từ chi tiết những bé trai có chị gái khi mẹ dạy tập nói từ "CHỊ" lần đầu tiên. Và có thể do những đứa bé trai nói chưa tròn tiếng ấp úng mà thành từ "CHỢ" chăng? Nghe có lý và thật thương yêu.
Đi nhiều nơi, tôi biết rằng không khí chợ Tết quê ở những vùng cao thì nhịp điệu khác hẳn với chợ Tết miền biển như thế. Bức tranh và bản nhạc chợ Việt vùng núi cao thì mang những ký ức khác. Nhưng chắc chắn, mỗi người đều có một ngôi chợ ký ức, dấu yêu trong tâm khảm.