Ðầm Phù Lưu (còn gọi là Loa Hồ) chạy dọc ven làng từ xóm Vườn Trầu tới xóm Ngõ Mái cuối làng, qua nhiều xóm mang tên cổ như Bến Ðầm xưa cho thuyền mảng đậu lên chợ trao đổi sản vật của cả vùng, xóm Ðiếm Nách nay vẫn tồn tại nhà thờ Thủy tổ họ Chu Tam có tuổi thọ gần 600 năm hướng mặt trông ra đầm sen này. Khó có cây nào công dụng hơn sen từ rễ củ đến hoa lá. Củ lặn sâu trong bùn sang xuân trổ cây vươn mình trên mặt nước. Hoa cho gương sen đầy những hạt tròn nõn nà, nhị cho hạt trắng ngần còn lá xanh tròn như nón úp trên đầu che nắng mưa tỏa hương dìu dịu.
Ðầm cong cong sát ven làng giống mặt trăng khuyết rồi vòng ra hai bên thành mặt đầm như miệng loa. Loa Hồ thời xưa rộng hơn hiện nay do ruộng lúa ven hồ phía nam bị mưa gió bào mòn trôi đất xuống ven hồ thành ruộng mật bờ xôi. Mùa thu, sương khói huyền ảo, thả chiếc thuyền bé tẻo teo lách trong rừng thân cây sen. Mê say cảnh Loa Hồ, các thi nhân xưa trên đất này đã có nhiều bài thơ ngâm vịnh.
Nổi lên giữa đầm sen một gò đất cây tốt tươi. Dân Phù Lưu đã góp công của xây miếu thờ Bà chúa Ngọc Hoa. Cụ Ðàm Ðắc, thân sinh ra nhà cách mạng lão thành Lê Ðông thấy miếu xập xệ đã đứng ra hưng công tòa chính điện to đẹp vững chắc như hôm nay. "Lung linh miếu nổi ánh hoa bày", ngôi đền Ðầm vẫn luôn là linh từ, tôn nghiêm.
Nhà nhà Phù Lưu lấy hướng đông mặt trời mọc, đều cắm chân soi bóng mặt đầm, tuyệt đẹp. Sông Tiêu Tương huyền thoại gắn với truyền thuyết lãng mạn Trương Chi - Mỵ Nương chảy qua làng giờ không còn nữa, chỉ còn đầm Loa Hồ là "vật báu" của làng với vẻ đẹp tự nhiên, thanh khiết của sen hồng, sóng biếc, mặt nước mênh mông, những đêm trăng sáng... Người dân Phù Lưu đang ra sức giữ gìn để mãi là "Một hồ thu vũ trụ trời mây, muôn thuở góp càn khôn cảnh trí".