Nhớ ơn mẹ Âu Cơ

NDO - Người dân đất Việt luôn tâm niệm rằng, miếng cơm hôm nay bắt nguồn từ cây lúa ngày xưa mẹ Âu Cơ dạy cày cấy, áo quần mặc cũng từ cây dâu con tằm mẹ dạy trồng. Ðến đền mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ), một di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn liền với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, để nhớ về cội nguồn dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc dựng nước và giữ nước hôm nay.
Ðền mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ).
Ðền mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Tương truyền, xưa kia mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên núi mở đất sinh cơ lập nghiệp, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Ðến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu... bèn dừng lại khai khẩn đất đai, lập nhiều trang, ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Ngày 25-12 năm Nhâm Thân, Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Nhân dân dựng lên ngôi miếu thờ phụng tưởng nhớ công ơn Tổ Mẫu, chính là đền mẫu Âu Cơ ngày nay.

Ðền Tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng thời Hậu Lê, trên một khoảng đất rộng giữa cánh đồng, nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Xưa kia, đền dựng kiểu năm gian thờ dọc, mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Kiến trúc đền tuy không đồ sộ nhưng có những bức chạm gỗ quý giá được coi là tiêu bản của nền nghệ thuật đương thời. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết sơn son vẽ thấp hình rồng cuốn trang nghiêm. Ðặc biệt, bằng kỹ thuật đục bong, chạm nổi điêu luyện các bức chạm trên cốn mê, cửa võng và diềm chung quanh cửa thượng cung thể hiện công phu hình ảnh tứ linh, tứ quý...

Gian trong cùng ngôi đền tạo dựng một thượng cung thờ cao 2,2 m bề thế. Tượng Tổ mẫu Âu Cơ uy nghi trên tượng ngai trong khám thờ. Ngoài ra, đền còn lưu giữ các di vật quý khác như tượng Ðức Ông nhiều long ngai, sập thờ, án gian... đục chạm tỉ mỉ và tinh tế.

Ðền Tổ mẫu Âu Cơ đã hai lần được triều Hậu Lê, triều Nguyễn phong sắc và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngày nay, đền được trùng tu khang trang với kiến trúc chính theo kiểu chữ đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái. Vào ngày hội, đông đảo du khách thập phương về dự lễ. Sau lễ dâng hương với 100 cầu bánh ngọt (lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ Âu Cơ), đến phần tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân tham gia và các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng.

"Mồng bảy trong tiết tháng giêng

Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời...".