Hải đăng Mũi Ðiện

NDO - Danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Ðiện hôm nay thật khác lạ. Con đường Phước Tân - Bãi Ngà chạy sát biển, ôm gọn dãy núi Ðá Bia hùng vĩ; một bên là núi đá cheo leo, bên kia là mênh mông biển cả - phong cảnh thiên nhiên hoang sơ hiện ra trước mắt đầy sức gọi mời...
Hải đăng Mũi Ðiện

Bãi Môn nằm kề chân Mũi Ðiện, là một vùng cát trắng mịn, rộng khoảng 16 ha, nhìn ra vịnh biển lặng gió, tạo thành một bãi tắm lý tưởng, luôn hấp dẫn du khách. Từ bãi tắm Bãi Môn thơ mộng, một con đường bê-tông mới được hình thành chỉ dành cho người đi bộ để được tận mắt nhìn thấy toàn bộ khung cảnh trời mây non nước hữu tình.

Mũi Ðiện, hay Mũi Ðại Lãnh, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, Ðông Hòa (Phú Yên). Ðây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Ðiểm đặc biệt của địa danh này là trông như một ngọn núi, nhưng lại giống một hòn đảo vì có suối nước ngọt tách ra khỏi đất liền, song thực chất nó lại là đất liền...

Mũi Ðiện đã được nhiều tài liệu nhắc tới, là điểm cực đông trên dải đất liền Việt Nam, nơi đón ánh bình minh đầu tiên, gần hải phận quốc tế nhất của nước ta, nằm ở tọa độ 12053’’48’’ vĩ độ Bắc và 109027’’06’’ kinh độ Ðông. Trên đỉnh của Mũi Ðiện, năm 1890 người Pháp cho xây dựng ngọn hải đăng để định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Hải đăng gồm khối nhà cao 5 m với diện tích 320 m2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng để chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác. Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ thon đều, mầu xám, cao 110 m so mặt nước biển, có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Trải qua chiến tranh, ngọn hải đăng bị đổ nát và được xây dựng, hoạt động trở lại năm 1997. Ngọn hải đăng này gần hải phận quốc tế nhất và là một trong tám ngọn hải đăng hơn 100 tuổi của nước ta.

Ðứng dưới chân ngọn hải đăng Mũi Ðiện, tôi chợt nhớ câu chuyện thuyền trưởng tàu không số - Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh về thăm lại địa danh lịch sử Vũng Rô nhân kỷ niệm 50 năm Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Ông kể lại rằng, trong chuyến hàng thứ hai đưa vào Vũng Rô, chính người trong đất liền đã đón tàu không số bằng đèn măng-xông để làm ám hiệu dẫn tàu vào vịnh an toàn. Ðể tránh bị địch phát hiện, từ bót gác trên phía tây Ðèo Cả, người cầm đèn tựa lưng vào ngọn hải đăng, đưa ánh đèn về phía đông để người trên tàu định hướng...

Ðã qua thời bom đạn, ngọn hải đăng Mũi Ðiện giờ không còn đơn lẻ. Một đơn vị mang tên Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực 3 (Cục Hàng hải Việt Nam) được giao trách nhiệm quản lý ngọn hải đăng. Hàng ngày, tại chính nơi đón ánh bình minh sớm nhất từ đất liền phía cực đông Tổ quốc, một tổ năm chàng trai khỏe mạnh, vui tính, hiếu khách luôn canh gác cho ngọn đèn sáng mãi với thời gian...