Hai anh em ruột, hai Bí thư tỉnh ủy

NDO - Những ngày tháng tám lịch sử, về xã An Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi được nghe câu chuyện về tấm gương kiên trung của hai anh em ruột Trần Hoặc, Trần Xu. Cả hai đồng chí đều là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong những năm đầu của thời kỳ thành lập Ðảng.
Ðồng chí Trần Xu. (Ảnh do mật thám Pháp chụp - lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh).
Ðồng chí Trần Xu. (Ảnh do mật thám Pháp chụp - lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh).

Năm 1925, Trần Hoặc và Trần Xu gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Giữa năm 1927, lực lượng trí thức ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã có nhiều người tham gia đảng Tân Việt do Trần Xu làm Bí thư. Họ tỏa về các làng xã tuyên truyền, vận động quần chúng và xây dựng cơ sở. Khi chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng ở Hà Tĩnh được thành lập, Trần Hoặc và Trần Xu đều là Ủy viên Ban Chấp hành. Sau hội nghị thành lập Ðảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh ủy viên lâm thời Trần Xu đã tích cực hoạt động, nhanh chóng thành lập chi bộ Xuân Sắc do Trần Hoặc làm Bí thư. Chi bộ Xuân Sắc đã nhanh chóng chớp thời cơ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, xây dựng lực lượng tự vệ đỏ, mít-tinh biểu tình đòi quyền lợi, treo cờ đỏ, rải truyền đơn ủng hộ ngày Quốc tế Lao động. Trong một thời gian ngắn, chi bộ Xuân Sắc phát triển mạnh, chia thành ba chi bộ. Trần Hoặc được điều về hoạt động tại Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Ðại hội lần thứ nhất Ðảng bộ Hà Tĩnh, hai anh em Trần Hoặc và Trần Xu đều được bầu vào BCH Ðảng bộ tỉnh. Giữa năm 1931, thực dân Pháp và bè lũ tay sai tập trung đàn áp phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh. Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Mai Kính bị địch bắt, đồng chí Trần Xu được cử lên thay. Từ tháng 6-1932, các cơ sở Ðảng ở các địa phương dần được lập lại. Mặc dù bọn mật thám Pháp phát hiện và ráo riết truy lùng, đồng chí Trần Xu được sự che chở của đồng chí và nhân dân, vẫn tích cực hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.

Không bắt được Trần Xu nhưng tòa án của kẻ thù tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn kết án vắng mặt với mức án 12 năm tù khổ sai. Sau một thời gian sang Thái-lan hoạt động, Trần Xu được tổ chức Phân bộ Thái-lan của Ðảng Cộng sản Ðông Dương cử về Việt Nam khôi phục lại các cơ sở Ðảng ở Hà Tĩnh. Ðồng chí bị địch truy lùng ráo riết và đêm 12 rạng ngày 13-7-1934, bị địch bắt ở Truông Bát (Hà Tĩnh). Ðịch kết án Trần Xu lần thứ hai với 13 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc. Trong những ngày bị giam giữ ở nhà lao, giặc Pháp tìm mọi cách khai thác những hoạt động của Ðảng nhưng Trần Xu vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản và tự sát tại nhà lao Vinh (Nghệ An).

 Ðồng chí Bùi Khương thay đồng chí Trần Xu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng bị địch bắt, Trần Hoặc được cử giữ chức Bí thư thay Bùi Khương. Trần Hoặc cùng các đồng chí trong Ban cán sự Ðảng và những đảng viên vừa được địch thả vào giữa năm 1933 nhanh chóng tập hợp lại, lãnh đạo phong trào cách mạng. Một số cơ sở Ðảng vừa được củng cố bị thực dân Pháp phát hiện, truy lùng, bắt bớ. Ðồng chí Trần Hoặc bị địch bắt. Thực dân Pháp tra tấn hết sức dã man nhưng không khai thác được gì từ Trần Hoặc, chúng thả đồng chí về địa phương trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ. Trưa 26-5-1934, Trần Hoặc trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà.

Căn nhà bình dị giữa đất An Lộc nơi hai anh em Trần Xu, Trần Hoặc sinh ra và lớn lên hiện là khu tưởng niệm hai chiến sĩ cộng sản kiên trung. Những người dân địa phương, những người trưởng thành trong thời đất nước bình yên vẫn thường đến đây và vọng tưởng trong niềm thương tiếc, tự hào về những người con đã hy sinh bản thân mình vì đất nước, nhân dân.