Ðất lành chung đúc

NDO - Ðền Du Yến ở Chí Tiên (Thanh Ba, Phú Thọ) thờ Ngọc Loan công chúa, nữ tướng tài ba giúp Hai Bà Trưng đánh thắng quân xâm lược. Ngôi đền không nguy nga tráng lệ mà giản dị như cổ tích...
Ðất lành chung đúc

Hiếm có ngôi đền nào tọa lạc trên thế đất đẹp như Du Yến. Ðền nằm trên đồi Bạch Hổ cao chừng hai chục mét so với mặt ruộng, phía trước là sông Hồng, phía sau có một cái yên ngựa nối với gò Sơn Ngọc, bao quanh là hồ sen. Cạnh đó là đồi Bá Nang và đồi Phượng Hoàng chầu vào, tạo nên thế đất tả thanh long, hữu bạch hổ. Rừng thông quanh đền xen lẫn nhiều cây cổ thụ làm cho không gian mang vẻ đẹp cổ tích của chốn bồng lai tiên cảnh. Theo các nhà phong thủy, đó là thế đất của bậc đế vương.

Ngọc Loan công chúa tên thật là Nguyễn Thị Hạnh (còn gọi là Hạnh Nương), sinh ngày 15 - 2 âm lịch, khoảng năm 11 sau công nguyên. Mặc dù không phải con vua, nhưng nhờ có tài sắc hơn người, nên bà được gọi là công chúa. Ðời Lê, bà được vua Lê Cảnh Hưng phong làm Quốc Mẫu Ðại Vương, ghi vào lễ tiết quốc khánh thờ chung của cả nước. Theo cuốn "Ngọc Loan công chúa ngọc phả cổ lục" do Hàn lâm viện Ðông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, bà được phong làm "Trưởng lĩnh tiền quân", nhân vật thứ ba sau Hai Bà Trưng. Nhân một lần về thăm quê, bà tức cảnh làm thơ:

"Ðất lành chung đúc vẻ anh linh,
Gò Phượng này nơi ta giáng sinh,
Lưu dấu sinh thần đền xóm Hạ,
Khói hương muôn thủa mãi lung linh".

Ngọc phả đền ghi lại rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nghe tin ở làng Bổng Châu, vùng Thao Giang có người con gái thông minh, xinh đẹp, văn võ song toàn, Hai Bà cho mời về gặp. Bà Hạnh Nương chọn 92 người cùng làng hội quân với Hai Bà Trưng. Nhờ tài giỏi, bà được Hai Bà tấn phong làm trưởng lĩnh tiền quân. Ðánh tan quân giặc xong, đúng ngày rằm tháng giêng, nữ tướng về quê hương mở tiệc khao quân, ban thưởng cho dân làng trên một gò đất hình con hổ trắng đang uống nước bên sông. Tại đây, nhân dân lập đền thờ, lấy tên là Du Yến (vui chơi và yến tiệc), vào dịp 14 - 16 tháng giêng mở hội nhớ ơn công đức bà, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được hưởng tốt lành. Nét đặc sắc, hấp dẫn của đám rước trong lễ hội là điệu múa tiên. Khi phường nhạc cử hành điệu lưu thủy, sáu cô gái tuổi từ 11 đến 13 xinh đẹp trong trang phục quần áo tiên lộng lẫy, vừa múa vừa hát những làn điệu cổ.

Năm 1993, đền Du Yến được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và mười năm sau được trùng tu lại bao gồm tòa tiền tế năm gian, hậu cung ba gian như hiện nay. Trong đền còn giữ nhiều hiện vật quý như: ngai thờ, kiệu bát cống, đồ chấp kích, bát bửu... Ngoài sắc phong các triều đại Ðinh, Lý, Trần, Lê; đây là ngôi đền duy nhất giữ được gia phả ghi lại hai nghìn năm phát triển của một dòng tộc trên đất Thanh Ba. Ðền cũng lưu giữ được một số bản thẻ đồng (để xóc lấy may), ghi chữ nôm ở hai mặt và nhiều đồ thờ tự quý giá - những báu vật của đền đặt ở địa điểm tối mật và bảo vệ nghiêm ngặt.