Hương sắc ba miền

Nước ta có nhiều chợ truyền thống đặc sắc, trải dài từ bắc vào nam.Có chợ chỉ họp một phiên mỗi năm. Có chợ họp hằng ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng một phiên. Báo Nhân Dân cuối tuầnxin giới thiệu ba chợ nổi tiếng ở ba miền bắc, trung, nam.

Hương sắc ba miền

Chợ Bắc Hà

Đây là một trong những ngôi chợ đặc sắc nhất vùng Tây Bắc, nằm nép mình bên suối Tả Hồ, thuộc địa bàn thị trấn Bắc Hà (Lào Cai).

Đường xuống chợ Bắc Hà những ngày giáp Tết đẹp lắm. Đường có sương rơi, phía xa trập trùng núi cao cùng những đám mây trắng bao phủ. Trên những con dốc, thi thoảng lại có những cô gái như hiện ra từ trong sương, như đến từ xứ sở đầy ảo mộng. Chợ Bắc Hà được chia thành nhiều khu: khu nông sản, khu thổ cẩm, khu bán rượu, khu thắng cố, khu chợ ngựa, khu chợ trâu, khu gia cầm, khu nông cụ... Mỗi khu đều phong phú, đa dạng. Đây không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa, mà còn là chỗ sinh hoạt văn hóa, nơi bè bạn gặp nhau trò chuyện, tán gẫu, cùng vào quán rượu uống cho say sau một tuần làm việc nhọc mệt.

Trước đây đường sá khó khăn, người dân xuống chợ bằng... hai chân. Nhà nào sang thì có ngựa thồ hàng, chở người. Do vậy thường có hình ảnh người đàn ông say rượu, nằm vắt ngang lưng ngựa, còn người vợ thì dắt đi. Hay hình ảnh người chồng uống rượu say nằm ở lề đường, người vợ nhẫn nại, đứng che ô cho chồng ngủ cho hết cơn say mới tiếp tục về nhà. Có thể nói, người dân xứ mận có một "văn hóa chợ" mà ít nơi có được. Nó được hình thành từ nếp sống, từ cuộc sống bình lặng và được hun đúc từ nhiều đời. Người dân nơi đây cũng biết mặc cả, nhưng chỉ để cho vui. Họ không nói thách, không bán đắt, thứ gì cũng rẻ và thật thà như đếm. Ví như có một vị khách mua mèo hỏi: "Con mèo này có bắt chuột được không?". Người bán lắc đầu: "Chuột thì không bắt được, nhưng ăn vụng thì giỏi lắm!" Hay khách hỏi mua rượu, uống thử đến mềm môi rồi không mua cũng chẳng hề hấn gì.

Chợ heo Bà Rén

Hương sắc ba miền ảnh 1

Từ lâu chợ heo Bà Rén bên quốc lộ 1A, qua xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn, Quảng Nam), để lại ấn tượng cho bất kể ai đến thăm về sự độc đáo của nó. Chợ diễn ra vào sáng tinh mơ từ 4 giờ đến 8 giờ, chỉ buôn bán một thứ duy nhất là heo giống. Bao đời nay người dân có một quan niệm: Trước khi heo được bỏ vào các lồng tre nhỏ để bày bán lẻ ở chợ hay dồn heo vào các lồng sắt to khối lượng lớn để chuyển đi nơi khác thì phải được những người phụ nữ ẵm bế. Có như thế vật nuôi mới lớn nhanh, ít bệnh tật.

Không chỉ quan niệm ẵm heo trước khi bán sẽ khiến heo lớn nhanh mà như thế còn mang vận may cho người mua. Ban đầu, đây chỉ là một "thao tác" để những người muốn mua tin vào những chú heo hay ăn chóng lớn, thì nhờ bàn tay của các chị xem giúp. Sau khi xem xong thì nhờ thả vào chuồng coi như lấy "tay" người nuôi. Nhưng rồi dần dần, nghề bồng heo xuất hiện và trở thành một tục lệ không thể thiếu trong sinh hoạt chợ ở vùng đất này. Một trong những bí quyết chủ đạo để khi bồng ẵm heo không bị rơi, không giãy giụa rơi xuống đất là kỹ năng cắp nách heo thật chặt. Việc đưa những rọ heo lên xe tải hay bồng từng chú heo con ra cho khách hàng ngắm nghía đều nhất thiết phải là bàn tay phụ nữ. Những phụ nữ ẵm heo này phải từ 35 đến 50 tuổi, chưa đạt độ tuổi này sẽ không có độ chín chắn, vốn sống và kinh nghiệm để làm "sứ mệnh" đem may mắn đến cho gia chủ.

Chợ nổi Cái Răng

Hương sắc ba miền ảnh 2

Có một loại chợ quanh năm họp trên sông nước, với hàng vạn người và thuyền ghe lớn nhỏ ngược xuôi. Có một loại chợ mà cả trăm thương hồ cùng mấy thế hệ sống nổi nênh. Đó là chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), điểm du lịch thú vị, hấp dẫn mà bất cứ ai về vùng sông nước Cửu Long cũng không thể bỏ qua.

Cuối năm, chợ nổi sôi động hơn bao giờ hết. Lượng người và ghe thuyền ra vào gấp bốn lần những ngày thường, góp mặt những người thuộc mọi miền của tỉnh và các tỉnh lân cận. Họ nhóm họp từ 3 giờ sáng, cảnh mua bán ở chợ nổi diễn ra chóng vánh với giá cả hào phóng, hiếm có chuyện trả giá cò kè. Từ Tết Dương lịch trở đi đến Tết Nguyên đán là mùa làm ăn của các thương thuyền.

Đến chợ, khách sẽ có dịp lọt vào thế giới âm thanh ồn ã với tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền rồi tiếng cười nói, cũng như mầu sắc rực rỡ của các loại sản vật, hoa, cây cảnh. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua không chỉ thuyền chứa hàng hóa, mà còn trên những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn, đồ uống, đồng thời còn có đầy đủ các loại dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu đến những cửa hàng bách hóa như mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo... Đôi lúc, trong không gian tấp nập của chợ, lại vút lên một giọng đờn ca tài tử, mượt mà, da diết, cứ dập dềnh cùng sóng nước.