Thấm đẫm hồn quê

Cứ có dân là có chợ, ngày xưa thế và hôm nay cũng thế. Chợ là nơi lưu thông hàng hóa của thiên hạ và mở đường giao dịch cho dân, là nơi giao lưu văn hóa, là sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm, bức tranh sinh động thể hiện mức sống cũng như tinh thần của người dân mỗi vùng đất. Cuộc sống đi lên, tốc độ đô thị hóa cùng với những thay đổi về nếp sống, thói quen sinh hoạt phần nào đã làm mai một hồn cốt chợ xưa. Và nếu mỗi vùng đất không tự gìn giữ, thì nhiều ngôi chợ đặc sắc sẽ không còn.

Chợ quê - Bột mầu của TRẦN ĐỨC BẢO
Chợ quê - Bột mầu của TRẦN ĐỨC BẢO

1.ó thể nói, hiếm có nơi nào nhiều loại chợ, hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, đậm chất dân gian như Việt Nam. Ngoài những chợ lớn, lại có những chợ Đình, chợ Chùa, như chợ Đình bán yếm lụa (Hàng Đào), chợ Chùa (làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội), chợ Đình Đại Mão (Bắc Ninh)... Chợ thường họp trước sân đình chùa, do người dân địa phương công đức hoặc những người thợ thủ công dựng lên làm nơi giao lưu buôn bán các sản phẩm địa phương với những vùng lân cận. Lại có những chợ chuyên bán một thứ hàng vào những phiên nhất định như chợ Bưởi họp ngày 4, ngày 9, chuyên bán giống cây, con; chợ hoa Hàng Lược chuyên bán đào quất vào dịp chuẩn bị Tết; chợ ông Giám (Thường Tín, Hà Nội) mà dân gian quen gọi là chợ hiếu thảo, mỗi năm họp một phiên vào trước Tết và chỉ bán cháo để con cháu mua về biếu ông bà, bố mẹ, tỏ lòng thành kính với đấng sinh thành; chợ trâu chuyên bán Trâu ở Từ Sơn (Bắc Ninh)...

Có một loại hình chợ cũng khá độc đáo mang ý nghĩa tâm linh như sự giao hòa giữa thế giới âm và dương, như chợ Viềng (Nam Định), chợ Ó (Bắc Ninh)... Hay như một số kiểu chợ đã bung nở trong thời hiện đại như chợ trên mạng, chợ trên chung cư cao tầng, chợ trên tàu khách với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là cách bán mua cởi mở, đa dạng.Nhân đây, cần nói thêm rằng, Thăng Long, Hà Nội tuy là "kinh đô của muôn đời", song thực chất vẫn là "kẻ chợ" của những "kẻ quê", nó mang đậm dấu ấn của kẻ quê - thôn dã xóm làng, bởi những nếp sống, thói quen nghề nghiệp rồi những sinh hoạt tín ngưỡng hội hè mà người bốn phương mang từ làng quê mình ra đất Kinh kỳ. Nơi đây tấp nập kẻ mua người bán, trên bến dưới thuyền. Chả thế mà từ thế kỷ 17 người ta đã ví "chợ Thăng Long như những ngày hội, ai nấy đều bị chen lấn vướng chân tứ phía, nên phải mất rất nhiều thời giờ mới đi được một quãng ngắn".

Ngoài hoạt động kinh tế, chợ còn là một không gian văn hóa phản ánh lối sống của từng vùng đất, từng cộng đồng với những tục lệ, những thói quen riêng, không thể lẫn với bất cứ nơi nào khác. Thật không ngoa khi nói rằng nếu ai chưa đến chợ Đồng Xuân thì coi như chưa đến Hà Nội. Tương tự như vậy là, chợ Rồng (Nam Định), chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn), chợ Tình (Sa Pa, Lào Cai), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh)...

Trong cái đông vui náo nhiệt, có "kỳ kèo", có "mặc cả" ấy, người ta tự nguyện bỏ tiền ra một cách hớn hở sung sướng để mua được thứ hàng mình cần, với sự thân thiết của người bán lẫn người mua, để rồi hẹn phiên sau lại gặp. Tâm trạng hả hê ấy được gửi gắm vào đồng quà, tấm bánh cho mẹ già, và nhất là những đứa con đang "trông mẹ về chợ".Cho nên có nói mang cả "chợ" về nhà thật không ngoa.

2.Lại nói, chợ xưa không chỉ là chỗ giao thương buôn bán, mà còn là chốn trai gái hò hẹn nên vợ nên chồng. Điều này được phản ánh thật phong phú trong ca dao: "Chợ Gióng một tháng sáu phiên/ Bắt cô hàng xén kết duyên Châu Trần/Xa xôi dịch lại cho gần/Cách sông cách núi cũng lần mà sang". Hay"Em về kiếm vốn buôn chè/Để anh buôn ấm ngồi kề chợ bên/Chè ngon nấu với ấm bền/Chè ngon được nước ấm bền được lâu".

Chợ là nơi các nơi tụ về, nơi thử thách lòng chung thủy của mỗi con người: "Gái thương chồng đang đông buổi chợ/Trai thương vợ nắng quái chiều hôm".

Xưa kia, chợ có một dãy hàng thầy bói để đáp ứng nhu cầu giải tỏa những bức xúc trong đời sống tâm linh của mọi người. Đặc biệt chợ có tục "cắt đúm" (một cách đi chợ cầu duyên của người xưa). Cứ thế, "văn hóa chợ", "hồn cốt chợ" đã thể hiện khá đa dạng ở những sinh hoạt dân gian, những phong tục tập quán rất đặc thù của một địa chỉ cụ thể. Rồi những "chợ phiên" đã mang trong mình không khí của ngày "hội làng". Điều này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của mỗi người từ tấm bé đến tận lúc về già. Chợ Mai Sót (Thanh Oai, Hà Nội) là một thí dụ. Chuyện kể rằng "đám cưới chợ" được tổ chức vào một ngày tốt trời. Cả làng Nga My Hạ đều nô nức tham gia rước chợ. Cờ lọng, bát âm, sinh tiền, chú Tễu, múa bài bông..., không khác gì đám hội. Đi đầu là kiệu giám, tiếp theo là các cụ già đạo cao đức trọng, rồi toàn bộ dân làng mặc áo mới như ngày Tết. Đoàn người vào đình làng My Dương dâng lên Thành hoàng làng, đọc văn tế rồi xin rước chợ về làng.Sau đó hai làng ngồi trò chuyện ăn trầu uống nước rồi xin rước chợ. Bên My Dương "lại quả" ba quả cau và cử một đoàn người đi đưa chợ. Đoàn Nga My đón chợ đi trước, đoàn My Dương đưa chợ đi sau, về đến Nga My Hạ tất cả vào đình làm lễ, uống nước ăn trầu rồi kéo nhau ra chợ.Phiên khai chợ có đủ các loại hàng hóa, người mua bán tấp nập cốt ở sự may mắn, lấy lộc về sau.

Thấm đẫm hồn quê ảnh 1

Phiên chợ quê - Sơn dầu của LÊ VĂN MINH.

3.Qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt với tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa như ngày nay, hầu hết những "chợ truyền thống" đã bị mai một, mà vẻ đẹp của nó chỉ còn lại trong ký ức những người già cả. Thật hãn hữu khi được chiêm ngưỡng những dãy chợ xây bằng gạch còn sót lại ở làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên), một làng nghề nổi tiếng đã đi vào ca dao hàng ngàn đời nay: "Đồng nát thì về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha".

Những chợ còn lại hầu hết "được" biến thành siêu thị, một kiểu chợ quá quen thuộc với các nước công nghiệp phát triển. Ở đấy người mua cứ yên ắng chọn hàng vào giỏ, ra cửa đã có người tính tiền sẵn qua máy, đưa biên lai, trả tiền. Tất cả diễn ra trong khô khan, sòng phẳng và vô cảm. Ở đấy không còn những nét quen thuộc khiến người ta quên đi nỗi nhọc nhằn, hòa vào không khí hồ hởi thân thương, hồn cốt của chợ xưa nữa.

Muốn bảo tồn hiệu quả di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) cần phải biết cách trao trả di sản về với nhân dân, để nó được "sống" trong cộng đồng, đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Chợ quê cũng vậy, phải được gắn liền với không gian văn hóa làng xã. Việc đem chợ quê lên phố, chẳng khác nào tách chợ ra khỏi môi trường sống của mình...