Những hoài niệm
Mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi số phận đều có những câu chuyện gắn bó với cái chợ chốn làng quê.Vẫn biết làng sẽ dần lên phố, những mái lều chợ bị dỡ đi, thay vào là những ki-ốt kiên cố. Vậy mà nhiều người vẫn hoài niệm, nuối tiếc không khí chợ quê ngày trước. Dưới mái lều chợ đơn sơ là nồng nàn hương vị của đủ thứ quà quê, đặc sản trong vùng; là câu đối đỏ, ông đồ già... Theo thời gian, những điều thân thương gần gũi ấy cứ dần xa...
Tưởng nét đẹp chợ quê, chợ Tết sẽ dần mất hẳn, song thật đáng mừng khi thời gian gần đây, mô hình chợ quê được một số tổ chức, cá nhân đưa vào trường học, siêu thị và giới thiệu cả ở nước ngoài. Tiêu biểu như Trường mẫu giáo số 10 (Ba Đình - Hà Nội), tạo dựng một phiên chợ ngay trong khuôn viên trường để cô và trò tham gia. Đây là hình thức giáo dục cho trẻ em về chợ truyền thống. Các cháu nhỏ hào hứng với những gánh hàng Tết giữa sân trường, còn cô giáo thì ưu tư "bâng khuâng nhớ chợ quê thuở trước". Cô hiệu trưởng Trần Thị Minh Phú, tâm sự: "Chợ quê thường rất xa lạ với các cháu ở thành phố, chúng tôi muốn đưa mô hình chợ quê như một phương pháp giáo dục trực quan để trước hết tạo không gian vui chơi, sau đó dạy các cháu về tình yêu quê hương đất nước, sự tự tin trong giao tiếp và ứng xử". Cứ thế, các cô giáo hóa thân thành các mẹ, các chị bán hàng, dắt học sinh đi chơi chợ. Một không gian chợ tấp nập ngày cuối năm với đủ thứ hàng hóa, từ lá dong, gạo nếp cho đến bánh mứt, bóng bay... Cả cô và học sinh cùng vui tươi, chộn rộn trong không khí Tết truyền thống.
Vượt khỏi biên giới quốc gia, phiên chợ Tết Gia Lạc (Huế) đã từng tồn tại suốt một trăm năm trước 1945 tại ngã ba làng Nam Phổ, trên đường về thôn Vĩ Dạ, tháng 10-2002 được bà Hồ Thị Hoàng Anh (doanh nhân, Việt kiều tại Đức) phục dựng và giới thiệu trong khuôn viên một trường đại học của CHLB Đức, năm sau tại Pháp. Đến năm 2012, bà Hoàng Anh về nước thì mới tổ chức phục dựng phiên chợ Gia Lạc tại TP Hồ Chí Minh suốt những ngày Tết (từ 15-1 đến 6-2), thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế đến thưởng lãm.
Mới đây, giữa tháng 11-2013, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã đưa mô hình chợ quê vào thử nghiệm tại trung tâm Metro Thăng Long (Hà Nội). Đây là một ý tưởng độc đáo, Metro mong muốn đưa không gian truyền thống của người Việt vào mô hình kênh phân phối hiện đại, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Tuy thế, người đi siêu thị vẫn cứ thấy cái góc chợ quê ấy còn sơ sài, đơn điệu. Một bà cụ già nắm tay cháu gái đi lại cả buổi mà chẳng thấy mua gì. Hỏi thăm, bà là Lưu Thị Cúc, người đã hơn 50 năm bán rau ở chợ Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), nay lên phố ở với con cháu. Bà bảo: "Nhớ chợ làng, tôi gọi cháu dẫn đi xem chợ quê Metro thế nào, đến nơi chỉ thấy cái cổng làm bằng tre là hơi giống, còn không thể thoáng đãng, đẹp như chợ làng tôi được".
Vẫn còn thờ ơ
Vấn đề bảo tồn chợ quê - một thiết chế văn hóa đặc trưng nông thôn Việt Nam, cho đến nay chưa có tiếng nói chính thức từ phía ngành văn hóa hay các cơ quan hữu trách, cũng như chưa có nghiên cứu cụ thể sẽ giữ cái gì, bỏ cái gì và giải pháp ra sao. Có chăng, chợ quê trong những trường hợp nào đó được xem xét như một khía cạnh của tổng thể làng cổ hay di tích. Ngay cả ở góc độ này, công tác bảo tồn còn đang vấp phải những lúng túng. Vì thế, việc bảo tồn chợ quê, cho đến nay vẫn chỉ ở mức độ tự phát của một số cá nhân, địa phương.
Trong khi những mái chợ nghèo nơi thôn dã được đem ra thành phố làm mô hình, thì tại chính những làng quê ấy lại mọc lên chợ hiện đại, nhưng bị bỏ không. Lý giải cho hiện tượng này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Nhàn cho rằng: "Chợ quê không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Nguyên tắc họp chợ của người quê rất tự nhiên, phải có một không gian rộng rãi, tiện đường đi lối lại và ở trung tâm. Tôn trọng những nguyên tắc này, Phú Thọ đã phục dựng thành công phiên chợ quê Sơn Vi mỗi dịp 10-3 hằng năm. Hiện nay, nhiều nơi cứ dựng chợ nhưng do không nghiên cứu kỹ, nhiều cái bất tiện, rồi ép người dân vào họp chợ thì thành công sao được".
Muốn bảo tồn hiệu quả di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) cần phải biết cách trao trả di sản về với nhân dân, để nó được "sống" trong cộng đồng, đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Chợ quê cũng vậy, phải được gắn liền với không gian văn hóa làng xã. Việc đem chợ quê lên phố, chẳng khác nào tách chợ ra khỏi môi trường sống của mình...