Cả đời "say" nhạc ngũ âm

NDO - Cả đời nghệ nhân Danh Thiên, 81 tuổi ở sóc Bà Mai, ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) gắn bó với nhạc cụ dân tộc. Ông có thể chơi tất cả các loại nhạc cụ của người Khmer, đặc biệt là khả năng biểu diễn dàn nhạc ngũ âm.
Cả đời "say" nhạc ngũ âm

Có lẽ "máu" mê âm nhạc được truyền từ người cha, mà năm lên mười tuổi, ông Danh Thiên nằng nặc đòi học nhạc ở chùa. Thương con, ngày ngày cha ông cõng ra chùa sóc Bà Mai cho tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc Khmer. Các sư nhận thấy khả năng đặc biệt của ông nên tạo điều kiện cho làm quen với nhiều nhạc cụ. Dần dần, ông trở thành người chơi chính trong dàn nhạc ngũ âm. Không chỉ chơi được nhiều loại nhạc cụ, ông còn mày mò học được cách chế tạo những loại nhạc cụ này, cùng các nhạc cụ khác như đàn gáo, đàn cò... phù hợp để biểu diễn mỗi dịp lễ hội của đồng bào Khmer, khiến nhiều người nể phục.

Dàn nhạc ngũ âm có bảy nhạc cụ gồm Rônek ek, Rônek Thung, Rônek Ðek, Kôông Vông Tôch, Kôông Vông Thum, Samphô và Skô Thum được tạo thành bằng năm chất liệu: sắt, đồng, gỗ, da và hơi. Khi đem hòa phối với các loại nhạc cụ khác sẽ tạo ra những âm thanh độc đáo.

Trước đây, ông thường được bà con trong sóc mời đến các nơi có tiệc để góp vui văn nghệ. Những năm gần đây, chỉ dịp đại lễ của dân tộc Khmer, bộ nhạc ngũ âm mới được xướng lên. Theo ông Danh Thiên, bây giờ rất ít người chơi được tất cả loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm. Ðiều ông luôn trăn trở là làm sao truyền lại được tất cả kiến thức âm nhạc tích lũy được để thế hệ sau này tiếp nhận và lưu giữ. Nhiều năm nay, ông đi dạy nhạc ngũ âm ở chùa thuộc xã Xà Phiên và huyện Long Mỹ (Hậu Giang), các chùa ngoại tỉnh và trường Dân tộc nội trú.

Trong số những "truyền nhân", Danh Thị Giỏi - con gái út của ông, chơi nhạc ngũ âm giỏi nhất. Chị Giỏi kể: "Mỗi dịp cha được mời đi dạy nhạc, tôi đi theo vừa làm phiên dịch, vừa chăm sóc cha, nên được cha dạy nhiều nhất. Rồi tôi thích chơi nhạc ngũ âm hồi nào không hay". Gần mười đứa cháu nội, ngoại của ông Danh Thiên cũng được truyền dạy chơi nhạc ngũ âm từ năm hơn 10 tuổi. Bây giờ Danh Thoại, cháu ngoại ông Thiên đã là nhạc công chơi trống (Skô Thum) thực thụ, đi biểu diễn trong những dịp lễ, tết của đồng bào Khmer còn cháu ngoại Thị Xalay cũng chơi rất thuần thục Rônek Thung. Cô còn được đưa đi học một khóa ngắn hạn ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để nâng cao kỹ năng chơi nhạc.

Ở cái tuổi "gần đất xa trời", ông càng say sưa truyền dạy nhạc ngũ âm cho thế hệ con cháu mình.

Ông luôn tâm niệm "tre già thì măng mọc", khi nào còn hơi sức là còn dạy và chơi nhạc ngũ âm, để "giữ hồn" văn hóa dân tộc.