Trầm cảm vì chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ

NDO -

NDĐT – Không ít người thân khi chăm sóc người trong gia đình bị mắc bệnh sa sút trí tuệ dẫn tới nỗi sợ hãi có thể bị chính người bệnh làm hại, thậm chí có người đã phải nhập viện vì stress nặng.

Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị người già, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân sa sút trí tuệ ngoài các triệu chứng về suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, hành vi, loạn thần. Điều này gây áp lực rất lớn cho gia đình người bệnh, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc mà hậu quả khiến không ít người đã rơi vào trầm cảm.

Em M, cháu gái cụ Nguyễn Thị Đ - bệnh nhân Alzheimer không giấu nổi vẻ mệt mỏi kể, nghỉ hè nên em được giao nhiệm vụ trông bà. Em M không dám rời bà nửa bước, cứ quay đi quay lại là lại không thấy bà đâu. Rồi có lúc bà khóc, mắng nhiếc cả nhà, đổ cho mọi người ăn cắp đồ của bà. “Từ ngày bệnh bà trở nặng, gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Mẹ em năm ngoái phải vào viện vì quá stress. Nếu trước đây gia đình em được tiếp cận thông tin về bệnh từ sớm chắc bà em giờ không đến nỗi thế này...”, M nói.

Là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ. Việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng, như: suy giảm trí nhớ ngắn hạn (quên tên người hàng xóm nhưng vẫn nhận biết được họ là hàng xóm của mình), khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc, gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán, đặt nhầm vị trí của đồ đạc, gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện…

BS An cho biết, nếu phát hiện sớm những triệu chứng trên, được can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer với các biểu hiện như: không nhận thức được môi trường, không có khả năng nhận diện khuôn mặt người quen, mất kiểm soát bàng quang và ruột dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ… thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế.

Để điều trị cho bệnh nhân Alzheimer, cần có sự kết hợp nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ hành vi và sử dụng thuốc điều trị mới mang lại kết quả tốt nhất. Các liệu pháp hỗ trợ hành vi bao gồm: tập nhận thức và trí nhớ; Định hướng thực tại; Liệu pháp hồi tưởng; Sử dụng búp bê, âm nhạc…

“Mục đích của những liệu pháp này giúp người bệnh luyện tập, kích thích nhận thức và trí nhớ; tăng cường giao tiếp, tương tác, giảm các hành vi gây hấn và kích động. Việc sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng suy giảm trí nhớ cùng các triệu chứng không thuộc nhận thức như: trầm cảm, loạn thần, kích động, rối loạn giấc ngủ… cần theo chỉ định của bác sĩ và có sự giám sát, theo dõi”, BS An nói.

Câu lạc bộ Bệnh nhân Sa sút trí tuệ lần 5, năm 2019 với chủ đề “Dinh dưỡng trong chăm sóc người bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ” sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức diễn ra vào thứ ba ngày 20-8-2019. Tham dự câu lạc bộ, hội viên sẽ được khám sàng lọc miễn phí bệnh sa sút trí tuệ đồng thời được các chuyên gia cung cấp các thông tin hữu ích và giải đáp những thắc mắc về căn bệnh này.