Tại đình Kim Ngân (số 42 và 44 Hàng Bạc), khách tham quan sẽ được tìm hiểu về trang trí, sắp đặt không gian sinh hoạt Tết truyền thống; mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình, gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội. Trong khi đó, tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu những hình ảnh hiện vật về Tết xưa của người Hà Nội cũng như thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa.
Một điểm nhấn văn hóa trong chuỗi hoạt động “Nét Xuân xưa” là triển lãm “Sắc Dó và Gốm Hương Canh” tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ). Tại đây, khách tham quan sẽ được thưởng lãm những tác phẩm gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), cùng các bức vẽ trên chất liệu giấy dó (làng Dương Ổ, tỉnh Bắc Ninh). Nghệ nhân Giang Thị Nhạn đến từ trung tâm gốm Hương Canh sẽ trực tiếp trình diễn kỹ thuật vuốt tay các sản phẩm gốm sành đặc biệt này. Các nhà nghiên cứu, sưu tầm sẽ chia sẻ những câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa văn hóa của giấy dó và nhóm Họa sĩ G39 sẽ vẽ tranh biểu tượng linh vật năm Kỷ Hợi trên chất liệu giấy dó. Cách đó không xa, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (số 28 Hàng Buồm), Ban Tổ chức sẽ giới thiệu về ba dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, gồm: Đông Hồ (Bắc Ninh), Kim Hoàng, Hàng Trống (Hà Nội). Chuỗi hoạt động này sẽ bắt đầu khai mạc từ ngày 25-1.
Trong chuỗi hoạt động này, hình ảnh chú lợn - linh vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi, biểu tượng của sự no ấm, đầy đủ luôn xuất hiện trong các bức tranh truyền thống, cũng như các trang trí hiện đại. Ngoài ra, trong dịp này, không gian Bích họa phố Phùng Hưng cũng được tổ chức thành không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, Chợ hoa Hàng Lược, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm địa chỉ vui Tết, du Xuân. Không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ được tổ chức từ ngày 22-1.