Cùng suy ngẫm

Trách nhiệm, tự hào người lính mũ nồi xanh

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ), do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức mới đây, đã đánh giá cao quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các chiến sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam diễn tập xử lý tình huống y tế trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam diễn tập xử lý tình huống y tế trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, từ năm 2014 đến nay, quân đội đã cử 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hình ảnh cán bộ, sĩ quan Việt Nam trong lực lượng mũ nồi xanh LHQ là minh chứng sống động cho đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hình ảnh đó thể hiện cam kết và trách nhiệm của một quốc gia thành viên LHQ trong việc đóng góp chung cho hòa bình, an ninh thế giới không những thế còn nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, từ sớm, từ xa trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc tham gia hoạt động gìn gữ hòa bình LHQ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác bảo đảm trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho hình thức đơn vị tại địa bàn xa Tổ quốc còn thiếu chủ động và chưa bảo đảm đầy đủ so với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, các đường bay quốc tế bị dừng và gián đoạn; thủ tục mua sắm trong nước còn bị kéo dài thời gian...

Yêu cầu cao về trình độ năng lực, nhất là về ngoại ngữ trong tuyển chọn cán bộ vào lực lượng là một trong những khó khăn phải tiếp tục khắc phục khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đặc biệt là trong đội hình đơn vị. Công tác tuyển chọn nhân sự cho năm thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh của Việt Nam thời gian qua cho thấy, tỷ lệ lớn quân nhân làm chuyên môn ở các đơn vị (quân y, công binh…) có năng lực tiếng Anh thấp, cần nhiều thời gian để trau dồi, nâng cao trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của LHQ, trong khi thời gian tập trung huấn luyện không dài.

Việc chuẩn bị nguồn nhân sự, nhất là lực lượng nữ chuẩn bị cho tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ còn thiếu và chưa có cơ chế tuyển chọn chủ động, nên từ khâu tuyển chọn đến điều động về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn kéo dài.

Trong khi đó, trên cơ sở yêu cầu trong Chiến lược giới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ đến năm 2028 của LHQ sẽ yêu cầu tỷ lệ nữ rất cao và rất quyết liệt, thậm chí quốc gia cử quân không bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia sẽ bị cắt giảm quân số... Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại các Phái bộ rất khắc nghiệt, nguy cơ gia tăng; trong khi yêu cầu nhiệm vụ của LHQ ngày càng cao...

Do vậy, cần điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách cho phù hợp, không chỉ đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại Phái bộ, mà còn đối với lực lượng giảng dạy, huấn luyện, phục vụ, chỉ huy điều hành, bảo đảm chính sách gia đình hậu phương cán bộ cũng như chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, nhất là đối với lực lượng nữ...

Để tiếp tục tham gia có hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, đó là:

Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; đưa hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam trở thành nội dung được ưu tiên quan tâm trong các hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và công an; duy trì lực lượng hoạt động hiện có tại Trụ sở LHQ và các Phái bộ (Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh và các hình thức cá nhân), bảo đảm an toàn mọi mặt, trên cơ sở đó nghiên cứu, mở rộng tham gia cả về hình thức đơn vị và cá nhân tại các Phái bộ; sớm triển khai các sĩ quan đến Phái bộ huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi và địa bàn phù hợp khác; phối hợp đẩy mạnh triển khai Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Cùng với đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng ngoài Phái bộ; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; xây dựng năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam ngày càng chính quy, kỷ luật và có tính chuyên nghiệp cao; xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành trung tâm huấn luyện nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình LHQ của quốc tế và khu vực; trọng tâm đào tạo tiếng Anh cho các nước ASEAN.

Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành xây dựng Trung tâm điều phối quốc gia về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ do Bộ Quốc phòng chủ trì để thống nhất công tác chuẩn bị, nâng cao hiệu quả triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Bộ Quốc phòng tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, trong đó nghiên cứu đề xuất sớm xây dựng Luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; điều chỉnh rút gọn quy trình, thủ tục cử lực lượng phù hợp yêu cầu của LHQ.