Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực mình quản lý.
Đánh giáo cao chất lượng trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, trong bối cảnh xu thế thế giới có nhiều biến động cũng như tình hình phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19, vai trò của ngành tài chính-ngân hàng là hết sức quan trọng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có những trả lời chất vấn đúng và trúng về các vấn đề đang “nóng” hiện nay như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, hạn mức tín dụng, vàng độc quyền và những vấn đề khác thuộc về điều hành kinh tế vĩ mô.
“Các vấn đề Thống đốc đã nắm chắc và đã có trả lời với các đại biểu, như về vấn đề thị trường bất động sản có thu hẹp lại sau khi siết lại thị trường chứng khoán. Hiện nay cần phải có kiểm soát và có những định hướng nới ra để cho các thị trường này hoạt động trở lại, góp phần phát triển kinh tế và không bị tụt hậu, kéo lùi các chỉ số về kinh tế-xã hội của năm 2022 và 2023”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.
Về phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông vận tải, đại biểu đánh giá, lĩnh vực giao thông có vai trò rất cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Trong thời gian qua, nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng đã được triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Song do trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh vừa qua, kèm theo tình trạng giá cả nguyên vật liệu tăng cao, một số công trình lâm vào tình trạng thi công dở dang, đứt quãng, còn nhiều tồn tại.
Cho rằng qua phiên chất vấn lần này đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về tình hình giao thông toàn quốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng kỳ vọng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sau phiên chất vấn có những tiếp thu để đưa ra các giải pháp, chính sách tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội dành nguồn lực và phối hợp với các địa phương để rà soát đầu tư cho hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, phục vụ lợi ích cả về kinh tế-xã hội và môi trường.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, giao thông vận tải là một lĩnh vực “nóng” và khó. Theo đánh giá của đại biểu, trong phần giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhìn nhận những tồn tại của ngành là do yếu tố khách quan chẳng hạn như thiếu vốn hay sự phối hợp trong đền bù giải phóng mặt bằng, cùng những yêu tố mang tính chủ quan cần phải tập trung xử lý.
Theo đại biểu, những yếu tố vướng mắc khách quan, trong đó có liên quan đến chính sách, Bộ Giao thông Vận tải cần chủ động tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ để kịp thời tháo gỡ.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đánh giá, qua phiên chất vấn, về cơ bản các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng như các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trả lời "trúng" những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra và thẳng thắn nhận trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng các giải pháp mà các thành viên Chính phủ đưa ra cần phải được đầu tư hơn nữa để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm rằng các giải pháp đó có thể triển khai vào thực tế, chứ không phải chỉ tồn tại trên giấy hay trên nghị trường.
Nhận xét về phiên chất vấn, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng qua chất vấn lần này cho thấy xu hướng chung là cử tri và doanh nghiệp mong muốn có đột phá mạnh mẽ hơn về cải cách thể chế và thủ tục hành chính, đặc biệt mong muốn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ thực hiện quyết liệt những cam kết đã đưa ra, với thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng chung nhận định, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên chất vấn rất quan trọng.
“Hậu chất vấn là vấn đề quan trọng để các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục căn cứ vào kết quả chất vấn để thực hiện giám sát những vấn đề đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội nêu ra và thậm chí là những lời hứa của các tư lệnh ngành và của Chính phủ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dài 76,34km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).
Đối với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7km, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép-Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5km, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2km, qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa gồm 10 chính sách, quy định về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (gồm 4 chính sách); quản lý quy hoạch; quản lý đất đai (gồm 2 chính sách); tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong Khu Kinh tế Vân Phong; về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.