Trong hơn hai năm qua, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, cũng như phối hợp các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm thuốc, vật tư y tế. Các cơ chế, chính sách được điều chỉnh từ luật đến nghị định, thông tư.
Đến thời điểm này, về mặt cơ sở pháp lý cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ ở một số bệnh viện. Phần lớn các bệnh viện đã thực hiện đấu thầu, mua sắm được tới 95% số lượng thuốc cung ứng cho người bệnh, chỉ 5% chưa mua được nhưng các đơn vị lựa chọn thuốc thay thế, bảo đảm công tác điều trị cho người bệnh. Như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau khi có phản ánh thiếu thuốc Hydrocortison 10 mg dạng uống, bệnh viện đã chỉ định thuốc thay thế là Methylprednisolon 4 mg, 16 mg; đồng thời lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc Hydrocortison. Do vậy sẽ sớm có thuốc Hydrocortison đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.
Sau khi nhận được phản ánh việc người bệnh điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn phải bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sẽ yêu cầu giám đốc bệnh viện này báo cáo và sớm giải quyết, không để người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế. Người đứng đầu ngành y tế khẳng định "Mục tiêu của chúng tôi là lắng nghe ý kiến phản ánh để giải quyết một cách căn cơ vấn đề thiếu thuốc, giúp người dân không phải khó khăn, vất vả khi đi khám, chữa bệnh mà thiếu thuốc".
Bộ Y tế cho biết, Luật Đấu thầu, nghị định, thông tư hướng dẫn mới được ban hành có nhiều thay đổi so với quy trình cũ, thời gian đầu áp dụng không ít cơ sở y tế còn bỡ ngỡ, có cách hiểu chưa thống nhất khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí còn lúng túng, e ngại trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục có những giải pháp về tập huấn, phổ biến các quy định mới của pháp luật; thường xuyên trao đổi, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị, địa phương để có hướng dẫn góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, giúp các cơ sở y tế chủ động thực hiện công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế.
Được biết ngay đầu năm 2025, Bộ Y tế sẽ ban hành "sổ tay hướng dẫn" quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo hướng "cầm tay chỉ việc" để các chủ đầu tư tham khảo, áp dụng.
Để giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các quy định đã có, Bộ Y tế cũng cần phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các luật có liên quan; chủ động xây dựng các hướng dẫn mới về danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết; hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng; tiếp tục rà soát, cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính trong việc thực hiện thủ tục đăng ký, gia hạn, cấp phép lưu hành đối với thuốc, thiết bị y tế.
Tại cuộc trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí mới đây, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, tháo gỡ những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, về mặt cơ sở pháp lý đến nay cơ bản đầy đủ. Nhưng để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở bệnh viện thì ngoài cơ chế chính sách, điều quan trọng chính là việc tổ chức thực hiện ở các bệnh viện và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các bệnh viện thực hiện đúng luật nhưng cũng cần linh hoạt và chủ động.