Thuật ngữ tin giả (fake news) không còn xa lạ trong đời sống chính trị, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói, các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Twitter... lại đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Tại Việt Nam tình trạng cũng tương tự. Tin giả đang là một vấn nạn và ngày càng xuất hiện tràn lan với các thủ đoạn tinh vi, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Theo nhận định của Bộ Công an, thủ đoạn phổ biến là các đối tượng thường tạo các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng các sự kiện "nóng", các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để dựng thông tin giả, đánh lừa dư luận.
Thực tế, tin giả, tin sai sự thật không tồn tại "vô thưởng vô phạt" mà dù dưới hình thức nào, cũng đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, tin giả còn có thể hủy hoại uy tín của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, gây rối loạn xã hội và còn là mối đe dọa với an ninh quốc gia... Chưa kể, những thông tin này thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn nhiều so với tin chính thống từ các phương tiện truyền thông.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng.
Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới, trong đó lượng người dùng mạng xã hội có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021). Đáng chú ý, người dùng quan tâm nhiều nhất đến việc cập nhật tin tức (57,1%) khi truy cập mạng xã hội. Sự phát triển và gia tăng lượng người sử dụng các nền tảng mạng xã hội là xu hướng tất yếu nhưng cũng nảy sinh không ít bất cập, mặt trái.
Trong đó, sự ra đời và lan truyền của tin giả, tin có nội dung xấu, độc không chỉ là thách thức về mặt xã hội mà còn đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm quản lý của các nền tảng công nghệ lớn khi hoạt động tại các quốc gia.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều mạng xã hội thuộc sở hữu của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi buông lỏng cơ chế kiểm soát, không tuân thủ pháp luật Việt Nam, vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo...
Thậm chí, một số tổ chức còn luôn tìm cách né tránh, không thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu độc khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh chính trị và đời sống kinh tế xã hội. Nhiều trường hợp tuy nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội thực hiện gỡ bỏ nội dung vi phạm nhưng quá trình này thường diễn ra chậm, thông tin đã được lan truyền và gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
Cần phải thấy rằng, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới được hưởng lợi không nhỏ từ việc cho phép người dùng được đăng tải tin tức trên các trang cá nhân, song điều đó không có nghĩa là họ được phép phớt lờ trách nhiệm, bỏ qua việc kiểm soát tin giả, tin có nội dung xấu, độc. Thực tế này cho thấy việc thắt chặt quản lý các nền tảng mạng xã hội là cần thiết và quan trọng, thúc đẩy vai trò chủ động kiểm duyệt nội dung xuất hiện trên các nền tảng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Hơn nữa, việc yêu cầu các công ty công nghệ phải điều chỉnh, phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định, luật pháp của nước sở tại cũng là một yêu cầu bắt buộc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng mạng xã hội, đồng thời góp phần củng cố và khẳng định chủ quyền của quốc gia trên không gian mạng.
Thực tế, việc siết chặt biện pháp quản lý với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới - nơi thường xuyên xuất hiện và lưu truyền tin giả là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện. Năm 2020 và 2021, các tập đoàn công nghệ lớn như Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook), Google, Twitter đã phải đối mặt với việc bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước, bị tẩy chay quảng cáo do chưa kiên quyết hành động để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng internet.
Chẳng hạn, châu Âu hiện đang là một trong những khu vực quản lý hoạt động của các nền tảng mạng xã hội chặt chẽ và nghiêm khắc nhất với những tiêu chuẩn chặt chẽ về pháp lý, tài chính buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải tuân thủ. Mới nhất, đầu tháng 4/2022, một Đạo luật về Dịch vụ số được Liên minh châu Âu thông qua, yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn phải tăng cường hành động và chịu trách nhiệm pháp lý nhiều hơn trong việc đấu tranh chống lại các thông tin giả, thông tin có nội dung xấu, độc.
Theo đó, các tập đoàn công nghệ lớn có thể phải chịu mức phạt lên tới hàng tỷ euro nếu không tuân thủ các quy định riêng của khối. Tại khu vực châu Á, Singapore là một trong những quốc gia quyết liệt trong việc sử dụng pháp lý một cách mạnh mẽ để "tuyên chiến" với tin giả. Chính phủ nước này đã chính thức ban hành Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến (hay Luật Chống tin giả), có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Luật này áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Twitter... vốn bị chỉ trích nặng nề về vấn nạn tin giả do buông lỏng cơ chế giám sát. Theo đó, người đứng đầu các bộ của Singapore có quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật trên các mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin sai sự thật được đăng tải, người đứng đầu các bộ có thẩm quyền buộc các cá nhân, công ty sai phạm phải đính chính cũng như ngừng phát tán thông tin. Thậm chí, trong hầu hết các tình huống, cơ quan quản lý của nước này được sử dụng giải pháp đóng tài khoản vi phạm, vô hiệu hóa đường truyền hay xóa luôn các trang mạng.
Tại Ấn Độ, tháng 2/2021, Chính phủ đã công bố các quy định mới về thắt chặt quản lý nội dung kỹ thuật số trên các mạng xã hội nhằm ngăn chặn việc phát tán thông tin xấu, sai sự thật. Các quy định mới này buộc các nền tảng công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm ràng buộc nhiều hơn và trách nhiệm giải trình cao hơn với những nội dung được chia sẻ trên các mạng xã hội của họ.
Cụ thể, các nền tảng mạng xã hội phải cung cấp cho cơ quan quản lý thông tin của "người khởi tạo đầu tiên" của các nội dung có ảnh hưởng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự công cộng; có điều khoản xác minh tự nguyện cho người dùng; phải mở văn phòng với nhân viên phụ trách ở Ấn Độ...
Việt Nam đã kịp thời xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi tung tin giả, tin xấu, độc khá đầy đủ và phù hợp yêu cầu quốc tế thể hiện rõ trong Hiến pháp, các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, hoặc các văn bản dưới luật như Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...
Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay đó là các mạng xã hội phát tán nhiều tin giả, tin xấu, độc lại thuộc sở hữu của các nền tảng xuyên biên giới, không trực tiếp chịu sự chi phối và xử lý của pháp luật Việt Nam. Việc phối hợp, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra do đó gặp nhiều trở ngại. Dù vậy, trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới trước vấn nạn tin giả, thông tin có nội dung xấu, độc tràn lan là không thể phủ nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, không thể mãi "thả gà ra đuổi", chạy theo để xử lý hậu quả mà phải có những biện pháp đón bắt trước. Mặc dù còn rất nhiều thách thức nhưng các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tăng cường quản lý các mạng xã hội thuộc các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Không thể mãi "thả gà ra đuổi", chạy theo để xử lý hậu quả mà phải có những biện pháp đón bắt trước. Mặc dù còn rất nhiều thách thức nhưng các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tăng cường quản lý các mạng xã hội thuộc các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, nhằm kịp thời cập nhật giải pháp phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội tại Việt Nam.
Trong đó đáng chú ý là các nội dung: tăng quyền tự chủ cho các cơ quan quản lý trong việc thực thi biện pháp ngăn chặn khi phát hiện hoặc nhận được các thông báo về các thông tin vi phạm xuất hiện trên các mạng xã hội hoặc khi các nền tảng này không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm; buộc các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền và phải thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng...
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, ý thức cho người sử dụng mạng xã hội cũng là một giải pháp hữu hiệu, nhằm tăng hiệu quả giám sát. Người dùng có thể thông báo với bộ phận chuyên trách khi phát hiện các fake news, thậm chí, khởi kiện nếu các thông tin này gây ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Ngoài ra, Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước tiếp tục phối hợp, kiên định thực hiện giải pháp kinh tế, nhằm làm giảm lợi nhuận mà các nền tảng xuyên biên giới thu được từ việc phát tán các thông tin sai sự thật, buộc các nền tảng này phải có biện pháp quản lý tốt hơn nội dung thông tin trên nền tảng của mình.