Khoản bù đắp xứng đáng

Đạo luật của Australia yêu cầu các “gã khổng lồ công nghệ” phải đạt thỏa thuận trả tiền chia sẻ tin tức với các hãng truyền thông đã phát huy tác dụng. Các nhà lập pháp Canada cũng thúc đẩy dự luật giúp các hãng tin có thể thương lượng và nhận được khoản bù đắp xứng đáng, khi nội dung do họ sản xuất được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo do Bộ Ngân khố Australia công bố ngày 1/12 nêu rõ, kể từ khi Đạo luật Thương lượng giữa các nền tảng số và thông tin truyền thông có hiệu lực vào tháng 3/2021, chủ sở hữu mạng xã hội Facebook là Meta và Google đã ký hơn 30 thỏa thuận với các hãng truyền thông của Australia, theo đó trả tiền cho những nội dung thu hút người đọc và mang lại doanh thu quảng cáo. Đạo luật đã tạo khuôn khổ cho các cuộc đàm phán giữa các công ty công nghệ và các hãng truyền thông, cũng như xây dựng quy trình trọng tài công bằng để giải quyết các tranh chấp.

Báo cáo của Bộ Ngân khố khuyến nghị Chính phủ Australia xem xét phương pháp đánh giá mới về quản lý và tính hiệu quả của luật trên, đồng thời nhấn mạnh, dù có quan điểm khác biệt về tác dụng, đến nay đạo luật vẫn đang phát huy hiệu quả nhất định. Ít nhất, một số thỏa thuận đã giúp các hãng tin tức tuyển dụng thêm các nhà báo và thực hiện các khoản đầu tư có giá trị nhằm hỗ trợ các hoạt động của họ. Theo Press Gazette, sau khi đạo luật được thông qua, Google và Facebook đã phải trả hơn 200 triệu AUD hằng năm cho các nhà xuất bản tin tức tại Australia.

Trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Australia Stephen Jones nhấn mạnh, Đạo luật Thương lượng giữa các nền tảng số và thông tin truyền thông đóng vai trò cân bằng hiệu quả trong quá trình thương lượng giữa các hãng xuất bản tin tức và các nền tảng kỹ thuật số. Các nhà quản lý nền tảng số có trách nhiệm tiếp tục đàm phán trên tinh thần xây dựng để bảo đảm các hãng tin nhận được khoản tiền xứng đáng với nội dung tin tức mà họ đã tạo ra.

Nhằm xây dựng một môi trường tin tức kỹ thuật số công bằng hơn ở Canada, các nhà lập pháp Xứ sở lá phong đang thúc đẩy Dự luật Tôn trọng các nền tảng truyền thông trực tuyến cung cấp nội dung tin tức ở Canada, gọi tắt là Dự luật Tin tức trực tuyến, với mã C-18. Dự luật này đang được xem xét tại Hạ viện và nếu được thông qua, Canada sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Australia, buộc các nền tảng công nghệ phải đàm phán với các nhà xuất bản tin tức để trả phí cho việc sử dụng nội dung tin, bài.

Phản ứng trước những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy dự luật C-18, đại diện của Meta đã kêu gọi chính phủ Canada xem xét lại cách tiếp cận, với lập luận rằng, Dự luật Tin tức trực tuyến phản ánh không chính xác mối quan hệ giữa các nền tảng công nghệ và các nhà xuất bản tin tức. Bên cạnh đó, theo Meta, những bài viết có đính kèm đường dẫn tới các trang tin và báo điện tử chỉ chiếm 3% tổng số nội dung chia sẻ hằng ngày của người dùng Facebook và những nội dung này cũng không mang lại nguồn doanh thu đáng kể. Đại diện Google tại Canada lại cho rằng, Google đã giúp các nhà xuất bản tin tức của Canada có được hàng tỷ lượt truy cập mỗi năm một cách hoàn toàn miễn phí, qua đó các hãng tin tăng được lượng độc giả và kiếm được lợi nhuận.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Canada (PBO) ước tính, các đài truyền hình của Canada sẽ nhận được phần lớn trong nguồn thu khoảng 240 triệu USD mỗi năm, nếu C-18 được thông qua và thực thi. Số tiền này có thể bù đắp khoảng 30% chi phí biên tập tin tức của các nhà xuất bản. Khoản thu này cũng được kỳ vọng sẽ đem lại sức sống mới cho lĩnh vực báo in của Canada vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo khảo sát do công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện, phần lớn người dân Canada ủng hộ nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh các hoạt động trên internet. Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez cho rằng, Dự luật Tin tức trực tuyến rõ ràng là cần thiết để tìm lại công bằng trên môi trường số, qua đó hỗ trợ các nhà sản xuất tin tức, nhất là các tờ báo địa phương, trong bối cảnh phần lớn doanh thu quảng cáo được cho là rơi vào tay các “gã khổng lồ công nghệ”.