Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật

NDO - Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Tiktok, Zalo... đã được đông đảo người dân sử dụng và trở thành công cụ hữu ích trong trao đổi thông tin giữa các cá nhân, tổ chức. Bên cạnh các mặt tích cực, đây cũng là phương tiện được nhiều đối tượng lợi dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn công bố lệnh bắt bị can Vũ Thị Nga (sinh 1965, trú tại khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) để tạm giam theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh: Công an tỉnh Lạng Sơn cung cấp).
Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn công bố lệnh bắt bị can Vũ Thị Nga (sinh 1965, trú tại khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) để tạm giam theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh: Công an tỉnh Lạng Sơn cung cấp).

Tại Việt Nam, nền tảng mạng xã hội bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay, theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022, cả nước đã có hơn 76,95 triệu người dùng mạng xã hội. Các trang mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhưng cũng đặt ra bài toán cho các cấp quản lý trong việc ngăn chặn tin giả, tin xuyên tạc; phòng ngừa và xử lý các thế lực thù địch, tội phạm biến mạng xã hội thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phạm tội.

Lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm cá nhân, tổ chức

Điển hình mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam hai đối tượng là Vũ Bích Vân (sinh năm 1971) và Ong Thị Thụy (sinh năm 1963) cùng trú tại khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, xuất phát từ việc không đồng ý với phương án giải quyết của các cấp chính quyền, hai đối tượng đã sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, quay phát nhiều video clip trong thời gian dài hình ảnh người dân tập trung khiếu nại tại các cơ quan từ tỉnh đến Trung ương. Nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn và một số dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Qua quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 15/11, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam thêm 3 đối tượng: Trình Thị Sang (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn), Vũ Thị Nga (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) và Ngô Như Nghiệp (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với cùng tội danh.

Đáng chú ý, qua tiếp cận thông tin vụ việc trên Facebook và cho rằng việc khiếu kiện tại Vĩnh Trại, Lạng Sơn cần được lan tỏa trên mạng xã hội, dù không hiểu rõ sự việc, Ngô Như Nghiệp đã liên tục có bài viết cổ xúy cho các hoạt động khiếu kiện của các đối tượng trên; đồng thời có những nội dung bình luận không đúng bản chất sự việc, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền...

Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm

Trước đó, khi phát hiện những hành vi sai phạm của các đối tượng, chính quyền thành phố và tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ban ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động các đối tượng chấp hành đúng theo các quy định của pháp luật. Cụ thể, yêu cầu các đối tượng không tiếp tục sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin không đúng sự thật. Tuy nhiên, các đối tượng không chấp hành mà tiếp tục có các hành vi vi phạm. Vì vậy cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố ra lệnh bắt tạm giam đối với năm đối tượng trên.

Hiện, cơ quan điều tra đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án xử lý các đối tượng đồng phạm liên quan theo nguyên tắc vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm minh đến đó.

Trao đổi thêm về vụ án, Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, không để các đối tượng phản động, cơ hội chính trị móc nối, lôi kéo và kích động chống phá; chính quyền tỉnh Lạng Sơn cùng Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, củng cố hồ sơ và tiến hành khởi tố thi hành lệnh bắt tạm giam các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Việc khởi tố bị can áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng vi phạm là cần thiết theo đúng quy định của pháp luật và sắp tới sẽ có một bản án thích đáng dành cho những đối tượng coi thường pháp luật.

Bên cạnh đó, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng đã và đang có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ổn định về an ninh trật tự. "Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân cần chọn lọc thông tin trên mạng xã hội, không kích động và cổ súy các hành vi phạm pháp trên không gian mạng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, chủ động đấu tranh và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm", Đại tá Thái Hồng Công nhấn mạnh.

Mạng xã hội đã, đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để góp phần làm trong sạch môi trường mạng, mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận và nâng cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ để chủ động trong công tác nắm tình hình trên không gian mạng; chủ động đấu tranh, phản bác các âm mưu, thủ đoạn sai trái và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, mạng xã hội thành công cụ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.