Hiện, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố đang điều trị 33 trẻ, đều dưới 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng; trong đó, có 9 ca nặng, 4 ca xác định do mắc EV71.
Tại thời điểm của năm bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong (năm 2011) chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng.
Các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị, hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ; đồng thời, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).
Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học.