Cụ thể, trước đó, bệnh nhi ốm 4 ngày với triệu chứng lở môi, ăn uống kém, bị nôn, sốt cao kèm run toàn thân, gọi không biết, vã mồ hôi.
Sau đó, bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, chẩn đoán tay chân miệng độ III, đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhân hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao. Chẩn đoán lúc vào viện là theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV.
Bệnh nhân được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp-tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nhân rất nặng, đã tử vong vào chiều 31/5.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, nguyên nhân tử vong nghi do bệnh tay chân miệng. Bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR xác định.
Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú bệnh tay chân miệng.
Đến thời điểm hiện tại, số liệu thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân bệnh tay chân miệng không tăng so với năm 2022, nhưng số bệnh nhân nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022, có 5 trường hợp nặng (2 trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh và 3 trường hợp ở các tỉnh), 1 ca tử vong.
Tay chân miệng là bệnh lý khá lành tính, tuy nhiên, nếu chủ quan trẻ có thể gặp nguy cơ biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây, hãy nhanh chóng đưa đến bệnh viện càng sớm, càng tốt: Trẻ loạng choạng, không tự đứng lên được; triệu chứng trở nặng, kéo dài hơn 3 ngày không khỏi; trẻ bị nôn liên tục, mất nước, không đi tiểu trong 6 giờ; sốt cao hơn 38 độ C với trẻ sơ sinh và 40 độ C với trẻ nhỏ; phân lẫn máu.