Theo ông Nguyễn Văn Nên, cả nước đã trải qua thời khắc hết sức cam go, khốc liệt, có cả đau thương, mất mát, nhưng cũng có những khoảnh khắc bi hùng. Trong những ngày tháng căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, biến chủng Delta khó đoán định chưa từng có trong lịch sử, với sự chi viện của cả nước, thành phố đã bước qua gian khổ, thách thức để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đặc biệt, Thành phố vô cùng trân trọng sự chi viện của lực lượng y tế cho thành phố khi đang các nhân viên y tế tại đây đang “đuối sức”.
Đánh giá cao vai trò của Bộ Y tế trong việc đưa ra các biện pháp, quyết định linh hoạt, kịp thời về mặt y tế để cùng thành phố triển khai chống dịch, ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Trong cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã có những yếu tố thích ứng vì có rất nhiều diễn biến, nhiều quyết định không có trong kịch bản. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, phần nào là nguyên tắc, các đồng chí rất kiên định giữ, và căn cứ vào tình hình thực tiễn, các đồng chí cũng có sự chuyển hướng phù hợp, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm”.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, có giây phút tương đối bình yên hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố vô cùng biết ơn sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp cao Trung ương, các cơ quan bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là nhân dân cả nước và đồng bào ta tại nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp đã hướng về thành phố chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp cả về vật chất và tinh thần với tinh thần: “Cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”.
"Phải thật sự xuất phát từ tình yêu nước, thương dân, sẵn sàng đồng cam, cộng khổ, các lực lượng hỗ trợ mới có sự cống hiến bằng sức lực phi thường như vậy. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, tình cảm chân thành đến các đồng chí, đội ngũ chiến sĩ áo trắng đã có mặt trên tuyến đầu của cuộc chiến đấu bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, nghĩa cử, xả thân hy sinh, vượt mọi khó khăn. Thời gian rồi sẽ trôi đi, nhưng chúng tôi sẽ nhớ mãi những điều này”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng Thành phố Hồ Chí Minh và người dân thành phố đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt nhất. “Có lẽ trong cuộc đời người làm nghề y, đây là trận chiến khốc liệt nhất. Những người làm ngành y chúng tôi chia sẻ, trải qua 4 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh mỗi người có thể có được kinh nghiệm của cả 5 năm, thậm chí kinh nghiệm cả cuộc đời”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc thiết lập, vận hành Trung tâm hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh cực kỳ quan trọng. Bộ Y tế và các đơn vị chỉ có con người, trang thiết bị, máy móc nhưng nếu không có thành phố chia sẻ, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về hậu cần... thì Bộ Y tế khó có thể thần tốc thiết lập, vận hành được các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều y, bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về đã bày tỏ lời tri ân với Thành phố Hồ Chí Minh, với nghĩa tình của thành phố và của người dân đã hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng y tế trong những ngày chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, sự đóng góp, đồng lòng, nhất trí của người dân thành phố, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền thành phố trong việc vừa chống dịch, vừa chăm lo an sinh xã hội, trật tự an toàn, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt lo cho tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người dân khó khăn đã tạo nên thành công ngày hôm nay.
Bộ trưởng cho biết, cuối năm 2021, Bộ Y tế sẽ tổng kết các bài học thành công trong chống dịch, trong đó có các bài học về lãnh đạo chỉ đạo, bài học trong huy động sức dân, huy động lực lượng, triển khai chuyên môn.
“Bài học chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ cho riêng thành phố mà còn là bài học cho ngành y tế ứng phó với đại dịch, để trong tương lai, khi có đại dịch xảy ra, chúng ta bình tĩnh hơn”, Bộ trưởng nói.