TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện nhanh công tác đền bù, giải tỏa Dự án đường Vành đai 3

NDO - Chiều 15/7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua với tổng mức đầu tư dự kiến 75.378 tỷ đồng.

Thông tin tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, đây là dự án lớn, liên quan đến 4 tỉnh, thành phố nhưng chỉ còn 3,5 năm để hoàn thành. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư làm sao để ổn định cuộc sống cho người dân là công việc khó khăn nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nếu không chuẩn bị kỹ các khâu sẽ ảnh hưởng tiến độ chung.

“Dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023, sớm hơn dự kiến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nên mọi việc cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ ngay từ bây giờ”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Lãnh đạo các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức, nơi bị thu hồi đất phục vụ dự án, đều thể hiện quyết tâm cao, cam kết bảo đảm tiến độ chung được thành phố giao. Trong đó, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đo vẽ, kiểm kê nhà đất; đồng thời đề xuất sử dụng quỹ đất tái định cư trên địa bàn cho phù hợp, bảo đảm thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư đúng luật định.

Liên quan kế hoạch triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho Dự án đường Vành đai 3, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để bảo đảm tiến độ thu hồi mặt bằng cho dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thành phố thực hiện Đề án về thí điểm chủ trương giải quyết tái định cư trước khi thu hồi đất. Nếu được Chính phủ thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn được 4 đến 6 tháng so cách làm cũ, góp phần đẩy nhanh tiến độ toàn dự án.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, hội nghị này rất quan trọng để làm cơ sở triển khai Nghị quyết của Quốc hội cũng như khẳng định cam kết của TP Hồ Chí Minh trước Trung ương, Quốc hội và nhân dân thực hiện dự án hiệu quả, bảo đảm tiến độ đề ra.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây là việc khó khăn chứ không đơn giản, có nhiều bài học từ nhiều dự án có đất, có tiền, có chủ trương mà vẫn trì trệ. Do vậy, để làm được dự án này với quy mô lớn, liên quan đến 4 tỉnh, thành phố cần phải quyết tâm, trách nhiệm, lộ trình và thời gian cụ thể.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các sở, ngành chức năng phải rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phù hợp và kịp thời không để những việc này ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm sao người dân phải đồng thuận hoặc tương đối đồng thuận, có nơi tái định cư trước là tốt nhất, đừng để người dân quá thiệt thòi khi giao mảnh đất, nơi ở cho chính quyền.

TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện nhanh công tác đền bù, giải tỏa Dự án đường Vành đai 3 ảnh 1

Đường Vành đai 3, đoạn Tân Vạn-Bình Chuẩn (Bình Dương) đã hoàn thành. (Ảnh: Giang Lê).

Trước đó, vào ngày 2/7, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Ba địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương và Long An cùng TP Hồ Chí Minh đã tham gia ký kết quy chế, kế hoạch triển khai thực hiện đường Vành đai 3, bước đầu đưa dự án đi vào thực tế.

Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, thống kê toàn Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong đó, có khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh có 741 hộ thuộc diện tái định cư liên quan đến địa bàn thành phố Thủ Đức và các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố được Quốc hội thông qua vào sáng 16/6.

Dự án thực hiện với khoảng 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư dự kiến 75.378 tỷ đồng. Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.