TP Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng các trung tâm hồi sức tích cực

Chiều 1/8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tiến độ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế khảo sát thực tế tại các điểm thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực. (Ảnh: Bộ Y tế).
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế khảo sát thực tế tại các điểm thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực. (Ảnh: Bộ Y tế).

Tại Bệnh viện Quốc tế thành phố (Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm chuyên môn tại đây.

Bộ trưởng đề nghị, ngay trong chiều 1/8, Bệnh viện bàn giao mặt bằng và giường bệnh có đầu nối ô-xi, máy thở ở tầng 3 với quy mô từ 50-70 giường bệnh để các chuyên gia cùng “thiết lập” ngay số giường bệnh này phục vụ điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng từ sáng 2/8; đồng thời cấp ngay 50 máy thở cho Trung tâm từ kho dự trữ.

Tại Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường (Bệnh viện dã chiến số 16) do Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở phía nam cấp ngay 100 máy thở chức năng cao và 100 máy thở HFNC, cùng với trang thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai chuyển từ Bắc Giang vào.

Kiểm tra tiến độ thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 13 (do Bệnh viện Việt Đức đảm nhiệm) và Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhiệm), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan cùng hai Bệnh viện thiết lập đến đâu, đưa vào sử dụng đến đó. Theo đó, ngày 5/8, cả hai Trung tâm hồi sức tích cực này sẽ nhận bệnh nhân nặng, bước đầu 200 giường, sau đó sẽ bổ sung đủ 500 giường.

Cũng trong chiều 1/8, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đến thăm và động viên các y, bác sĩ đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy đảm nhiệm. 

Trước đó, sáng 1/8, hàng trăm máy móc, thiết bị y tế hiện đại cùng các phần quà chi viện cho TP Hồ Chí Minh đã được Bệnh viện Bạch Mai chuyển từ ga Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Trong những trang thiết bị y tế được vận chuyển vào lần này có 20 máy thở, máy thở chức năng cao, 15 máy thở ô-xi dòng cao, 45 monitor, 80 máy tiêm điện, 80 máy truyền dịch, máy lọc liên tục, máy siêu âm mầu, máy sốc tim… được Bộ Y tế tiếp nhận từ Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Những ngày tới Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế vào để điều trị, chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến 16 TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, TP Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ 0 giờ ngày 2/8. UBND thành phố yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND thành phố phối hợp các tỉnh, thành phố đưa về quê theo nhu cầu. Tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, an toàn, hiệu quả, không để vắc-xin hết hạn. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; phấn đấu mỗi ngày một đội phải tiêm ít nhất cho 200 người; tùy theo điều kiện có thể tổ chức tiêm sau 18 giờ đối với những điểm tiêm có khả năng đáp ứng để đẩy nhanh tiến độ; tổ chức các đội tiêm lưu động để thực hiện tiêm chủng tại các khu vực đặc thù.

Các tỉnh Cà Mau, Bình Dương cũng tiếp tục giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, từ 0 giờ ngày 2/8.

Ngày 1/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách, gồm: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế. UBND thành phố yêu cầu các cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện “4 tại chỗ”: Làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ và tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca. Các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép.

Ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1376/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ động quyết định việc sử dụng kinh phí được giao phù hợp diễn biến của công tác phòng, chống dịch và phù hợp yêu cầu chuyên môn theo từng giai đoạn. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã thiết lập đường dây “nóng” 1800 8073 để kịp thời hỗ trợ người dân Quảng Bình sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai gặp khó khăn do dịch bệnh. Thông tin của người dân gặp khó khăn sau khi được tiếp nhận sẽ được chuyển đến chủ tịch xã nơi người đó đăng ký hộ khẩu để thẩm định, động viên, thăm hỏi; trên cơ sở kết quả xác minh và đối chiếu, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ hỗ trợ một triệu đồng cho hộ gia đình hoặc cá nhân thông qua đường bưu điện. 

Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”, trong đó một số khái niệm được thay đổi. Chẳng hạn ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) là người có ít nhất hai trong số các biểu hiện: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Khái niệm này đã bỏ điều kiện về tiền sử dịch tễ, tiền sử tiếp xúc F0 so với quy định cũ. Bên cạnh đó, người tiếp xúc gần (F1) có thể là tiếp xúc với F0 trong khoảng 2 m, trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 1/8 cả nước ghi nhận 8.620 ca mắc mới Covid-19, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.007 ca trong cộng đồng. TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất (4.052 ca), tiếp đến Bình Dương (2.179 ca), Long An (569 ca), Đồng Nai (425 ca), Khánh Hòa (298 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (184 ca), Tây Ninh (102 ca), Cần Thơ (100 ca), Đồng Tháp (86 ca), Bến Tre (82 ca), Hà Nội (81 ca), Sóc Trăng (53 ca), Vĩnh Long (50 ca)… Trong ngày, có 4.423 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.