Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq, cho biết Tổng Thư ký Guterres gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của các nạn nhân, đồng thời lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, cũng như các hành vi phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc quốc tịch.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, tất cả các nước cần cùng nhau hướng tới xây dựng các xã hội hòa bình và hòa nhập hơn.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan phân biệt chủng tộc, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết chống lại những tội ác thù hận.
Tại một sự kiện của lực lượng cảnh sát ở Washington, Tổng thống Biden nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần phối hợp giải quyết tình trạng thù hận vẫn tồn tại trong lòng nước Mỹ.
Theo ông, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đang thu thập các bằng chứng liên quan vụ việc trên và Bộ Tư pháp đang điều tra vụ việc theo hướng "tội ác thù hận" và hành vi "cực đoan bạo lực có động cơ phân biệt chủng tộc". Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ cùng phu nhân sẽ tới Buffalo để chia buồn với người dân.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết các cơ quan thực thi pháp luật nước này, trong đó có Cục Điều tra liên bang (FBI), đang làm việc với Sở Cảnh sát Buffalo và các cơ quan khác về vụ nổ súng, đồng thời cam kết tiến hành điều tra toàn diện và khẩn trương để đòi công lý cho những nạn nhân vô tội.
Cũng trong ngày 15/5, nhiều người dân sinh sống tại thành phố Buffalo đã tập trung cầu nguyện và tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ súng.
Chiều 14/5, một người đàn ông đã nổ súng vào những người có mặt tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Các bác sĩ cho biết những người bị thương không nguy hiểm tính mạng.
Đối tượng nổ súng đã bị bắt giữ tại hiện trường. Theo nhà chức trách địa phương, hung thủ 18 tuổi, người da trắng và dường như hành động đơn độc. Đối tượng sử dụng súng trường, mang máy quay và mặc trang phục kiểu quân đội cùng áo giáp toàn thân. Toàn bộ vụ xả súng được phát trực tiếp trên một nền tảng trò chơi. Trong số 13 nạn nhân có 11 người là người Mỹ gốc Phi.
Bạo lực súng đạn được xem là vấn nạn xã hội chưa được giải quyết tại Mỹ. Thống kê cho thấy trong năm 2020, trên toàn nước Mỹ đã xảy ra 19.350 vụ xả súng gây thương vong, tăng 35% so năm 2019.