Cùng chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25, Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Hơn 50 thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ lãnh đạo các sở ngành, địa phương ở Đà Nẵng tham dự Hội thảo.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên các mặt công tác và đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực hiện bài bản, đi vào chiều sâu. Thành phố thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương gắn với quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, văn bản mới.
Tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, bảo đảm đúng yêu cầu, sát thực tiễn, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và đang triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong những năm qua, nhiều đề tài, hội thảo khoa học phục vụ nghiên cứu lý luận và làm cơ sở khoa học để ban hành các nghị quyết, kết luận, đề án chuyên đề của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy được chú trọng thực hiện có hiệu quả.
Từ tổng kết thực tiễn, Thành ủy Đà Nẵng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, tạo đột phá về tỷ lệ kết nạp đảng viên mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Hội thảo là cơ hội quý báu để thành phố Đà Nẵng nghiên cứu tiếp thu các cách thức, kinh nghiệm trong chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 bảo đảm các yêu cầu và phù hợp với tình hình thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc xây dựng Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo Văn kiện Chính trị Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025-2030 của Đảng có ý nghĩa rất to lớn và quan trọng.
Vì vậy, Hội thảo lần này là diễn đàn để các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được qua 40 năm đổi mới, kết quả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhìn từ thực tiễn Đà Nẵng, đóng góp cho xây dựng Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tổng kết, đánh giá thành tựu, đúc rút kinh nghiệm 40 năm đổi mới, để khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, bản lĩnh trí tuệ và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước. |
Đại hội lần thứ XIV sắp tới là Đại hội mang tính bước ngoặt của một giai đoạn lịch sử, khi Đảng ta bước vào một chặng đường mới, đặt ra yêu cầu về định hướng phát triển mới trong giai đoạn sắp tới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đánh giá nhìn lại quãng đường 40 năm đổi mới của Đảng, của đất nước, từ đó khái quát, đúc rút thành lý luận.
Bộ Chính trị đã quyết định Đại hội lần này đồng thời phải hoàn thiện hai báo cáo cực kỳ quan trọng. Thứ nhất là Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới và Báo cáo chính trị của Đại hội XIII trình Đại hội XIV. Hiện nay nhiều địa phương cũng đã được hiện nay các địa phương đã gửi báo cáo tổng kết các đoàn công tác ban chỉ có đánh giá, tổng kết và xây dựng Báo cáo, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã về trực tiếp làm việc với các địa phương, bộ ngành… tổ chức các hội thảo để có đánh giá, tổng kết ở địa phương, theo từng ngành, lĩnh vực.
Điều đó thể hiện tầm quan trọng của việc đánh giá kết quả 40 năm đổi mới. Đại hội XIV sắp tới, ngoài nhiệm vụ tổng kết thành tựu, đúc rút kinh nghiệm tiến trình đổi mới, cũng là dịp để chúng ta khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, bản lĩnh trí tuệ và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước, với mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, với nội hàm là nhân dân, đất nước của giàu mạnh. Khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 40 năm đổi mới để chúng ta từng bước hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về con đường phát triển, đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh những vấn đề mang tính nguyên tắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, như: vấn đề hoàn thiện thể chế; chấn hưng văn hóa, phát triển con người; xu hướng đổi mới có tính ưu việt, mang đặc trưng riêng của Việt Nam; về quốc phòng an ninh, đối ngoại hội nhập; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện trong điều kiện toàn cầu hóa, kinh tế số, kinh tế hội nhập hiện nay.
Các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo được Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận, tổng hợp, nghiên cứu và đưa vào Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.