Buổi gặp mặt thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước, tình cảm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với những đóng góp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, trong đó có đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã luôn quan tâm, ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2004, có khoảng 92 nghìn doanh nghiệp hoạt động thì sau 20 năm, có hơn 930 nghìn doanh nghiệp hoạt động; gần 30 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là hơn 61 nghìn; đồng thời có hơn 163 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Dự báo, năm 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được góp phần đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Doanh nhân Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, chia sẻ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc định hướng phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất. Đặc biệt Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới sau một năm triển khai, các nhóm nhiệm vụ giải pháp của Bộ Chính trị đề ra đã được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả. Đây là sự động viên, khích lệ để doanh nghiệp tư nhân ý thức và trách nhiệm về vai trò trụ cột của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam hoạt động đến nay đã hơn 45 năm, Tập đoàn KN Holdings luôn tiên phong đầu tư vào những lĩnh vực mới như: đô thị dịch vụ, sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo và đã để lại nhiều dấn ấn với những dự án quy mô lớn, giải quyết hàng ngàn việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội của địa phương, tiêu biểu như: Khu đô thị và sân golf Long Thành, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại Khánh Hòa và nhiều dự án trong và ngoài nước. Đến nay, tổng số tiền mà Tập đoàn và gia đình đã dành cho các chương trình từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa lên đến hơn 2.700 tỷ đồng.
Doanh nhân Lê Nữ Thùy Dương phát biểu. |
Để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, bà Lê Nữ Thùy Dương kiến nghị các cấp ngành cụ thể hóa những đường lối, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm quốc tế; có chính sách thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu đãi như khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và nông nghiệp tuần hoàn; thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép thực hiện đồng thời các bước thủ tục xin phép để nhanh chóng triển khai đầu tư và đưa dự án sớm đi vào hoạt động nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ theo quy định pháp luật.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chia sẻ, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn BRG đã phát triển với đội ngũ hơn 22 nghìn lao động trong nỗ lực trở thành một công dân doanh nghiệp kiểu mẫu, nỗ lực hết mình với mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững để góp phần kiến tạo tương lai thịnh vượng không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn nhiều thế hệ tiếp theo.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga phát biểu ý kiến. |
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga khẳng định cam kết phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin tự lực, tự cường, tự hào dân tộc để luôn sẵn sàng đồng hành cùng Đảng, Nhà nước góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề, để dẫn dắt, khích lệ, tạo ra những cánh chim đầu đàn trong từng lĩnh vực. Cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với lợi thế của đất nước, đó là nông nghiệp, trong đó có kinh tế rừng, kinh tế biển, kinh tế đồng bằng; đồng thời có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân và những doanh nghiệp đủ tâm-trí-lực vào lĩnh vực này, để xây dựng chuỗi giá trị khép kín, đưa người nông dân vào một mắt xích trong chuỗi giá trị, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu, ngay trên mảnh đất của chính mình, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, đạt chuẩn quốc tế cho từng sản phẩm.
Nhấn mạnh nguyên tắc chung là phát triển kinh tế ở lĩnh vực nào cũng cần tuân thủ mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, Anh hùng Lao động Thái Hương đề nghị đưa khoa học công nghệ, khoa học quản trị đan xen vào nhau để tạo ra năng suất lao động cao, chi phí giá thành hợp lý, chất lượng chuẩn quốc tế, thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ thành phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Cần tạo hành lang pháp lý và có các luật định phù hợp, thống nhất, không bị chồng chéo, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì ngoài kinh tế, cần chú ý tới sự “vươn mình” về chiều cao-tầm vóc của người Việt. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Nhà sáng lập Tập đoàn TH kiến nghị cần xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường để đưa ra những tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường, từ đó bảo vệ trẻ em, cải thiện tầm vóc và sức khỏe thế hệ tương lai.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, buổi gặp mặt nhằm tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, đóng góp quan trọng của lực lượng doanh nhân nước nhà vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 13/10/2024). Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi tới các vị đại biểu, các doanh nhân tại buổi gặp mặt cũng như cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cả nước lời thăm hỏi thân tình, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhắc lại ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới công thương, trong đó có đoạn “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”, qua đó khích lệ, động viên và khẳng định sự hỗ trợ tận tâm của Chính phủ, nhân dân và của Bác Hồ đối với giới kinh doanh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, cách đây tròn 20 năm, ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính thức ra đời, đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, cũng là sự công nhận của xã hội về vai trò và những đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua với sự vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo và lớn mạnh, khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự đóng góp to lớn của doanh nhân đối với Nhà nước và xã hội ta từ rất sớm, ngay từ khi nước nhà vừa mới giành độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời về phát động “Tuần lễ vàng”, nhiều doanh thương đã không tiếc của cải đóng góp cho cách mạng. Nhìn lại chặng đường đã qua với sự vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo và lớn mạnh, khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh các doanh nhân, bằng những ý tưởng sáng tạo và khả năng chấp nhận rủi ro, tạo ra các doanh nghiệp đóng vai trò là động lực của tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, nộp thuế cho nhà nước, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngày càng có nhiều doanh nhân chuyển hướng vào công nghệ, sáng tạo, tham gia các ngành kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu.
Các doanh nhân góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước. Các doanh nhân cũng thúc đẩy cạnh tranh, là động lực để cùng nhau thăng tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn có vai trò xã hội quan trọng, tích cực tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ những người yếu thế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước; biểu dương Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.
Cùng với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ đội ngũ doanh nhân nước ta vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp và doanh nhân so với dân số còn thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh những khó khăn do sự bất ổn và sụt giảm của thị trường toàn cầu, hoạt động kinh doanh của các doanh nhân lớn, nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do nhiều rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân.
Trong thời gian qua, nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi tích cực; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất; những vướng mắc về thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh chậm được sửa đổi, trong đó có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn lực đất nước đang “đọng” rất lớn trong các quy hoạch treo, các dự án vướng mắc thủ tục, các tài sản đất công, trụ sở công không sử dụng, các tài sản trong tranh chấp, kiện tụng, tài sản nằm trong các vụ án kéo dài,... rất chậm được xử lý, giải quyết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao trong tầm nhìn 20 năm tới và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số,... Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức. Những tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển nhanh, năng động, cùng với những cải cách thể chế và môi trường kinh doanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển, nhất là những người chưa phải là doanh nhân cũng có cơ hội khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân thành đạt. Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Đánh giá đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định sự trỗi dậy của cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây... đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể và cho rằng đây chính là cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn về cách tân công nghệ, xác lập “phương thức sản xuất số”, đi tắt, đón đầu xu hướng của thế giới, tạo vị thế và tầm ảnh hưởng mạnh trong một số ngành công nghiệp then chốt, tạo giá trị gia tăng cao, đưa nền kinh tế quốc gia thăng tiến lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Đại biểu dự buổi gặp mặt. |
Nhìn lại chặng đường vẻ vang của lịch sử dân tộc, thành quả của gần 40 năm đổi mới đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì đất nước có được đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh như ngày nay. Đó là những con người có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh; khẳng định tương lai năm 2045 liệu nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân hôm nay và tương lai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước; tin tưởng rằng VCCI cùng các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp thiết thực vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.