Sau các đợt trao giải thưởng về điện ảnh, mới đây nhất là Giải thưởng Cánh diều lần thứ 19-năm 2021 vào trung tuần tháng 9 vừa qua của Hội Điện ảnh Việt Nam, không ít ý kiến cho rằng, việc tôn vinh các bộ phim đoạt giải với ê-kíp gồm đạo diễn, diễn viên, quay phim… mà không có mặt biên kịch là một tiền lệ cần thay đổi nhằm ghi nhận những đóng góp xứng đáng. Biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận định, đã thành mặc định khi các phim được đánh giá là hay thì công đầu thuộc về đạo diễn, diễn viên; phim dở thường đổ cho biên kịch.
Tuy gần đây, các hệ thống giải thưởng điện ảnh đã bắt đầu có những thay đổi hợp lý hơn khi bổ sung giải dành cho biên kịch, nhưng mối liên kết giữa đoàn làm phim với biên kịch vẫn bị xem nhẹ. Trung tâm Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam thường mời các nhà biên kịch phối hợp trong quá trình làm phim, dự liên hoan đóng máy, ra mắt phim và các hoạt động giao lưu, song còn nhiều đơn vị khác, nhất là các dự án phim truyện điện ảnh, gần như lại “bỏ quên”.
Theo các nhà biên kịch, việc được mời tham gia các sự kiện không hẳn chỉ là quyền lợi hình ảnh, cá nhân mà hơn hết, giúp đội ngũ biên kịch được hòa nhịp vào không khí nghề nghiệp, tăng cơ hội giao lưu, học hỏi và phối hợp chuyên môn. Việc lên tiếng vì không được mời tham gia làm phim hay xuất hiện ở các sự kiện đối với giới biên kịch vẫn còn hiếm hoi bởi tâm lý ngại ngần, cả nể, ngại “búa rìu” dư luận và đồng nghiệp đang tồn tại.
Theo biên kịch Đặng Thu Hà (Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội), so với các ngành nghề khác, biên kịch có những thiệt thòi nhất định. Thí dụ, biên kịch không có trong “khung” được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đồng nghiệp là đạo diễn, diễn viên, quay phim… đều có cơ hội được xét danh hiệu, nhưng biên kịch thì không.
Trong đời sống điện ảnh, những câu hỏi quen thuộc được đặt ra khi vai trò của biên kịch trở nên mờ nhạt, kiểu như: Đội ngũ biên kịch trong nước có thiếu và yếu không? Có tự đánh mất vai trò, vị trí của mình không?
Thực tế cho thấy, điện ảnh Việt Nam vẫn đang có một đội ngũ biên kịch hùng hậu, song vì nhiều lý do khiến họ chưa thể tỏa sáng. Nguyên nhân có nhiều, trước hết phải kể đến sự phân hóa khi hằng năm, số lượng biên kịch được đào tạo, tốt nghiệp vẫn như cũ, thậm chí tăng, nhưng trên thực tế không nhiều người viết kịch bản cho phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, phim tài liệu… Nhiều người trong số họ đã chuyển sang lĩnh vực rộng hơn, đầy tiềm năng về kinh tế đó là viết kịch bản cho truyền thông, quảng cáo.
Thị trường bị chia nhiều nhánh làm cho đội ngũ chuyên về điện ảnh mỏng hơn. Tiếp đó là cơ hội khách quan khiến nhà biên kịch khó có được tiếng nói chung với nhà sản xuất. Trước đây, khi gần như chỉ có một đầu ra cho là các hãng phim nhà nước thì người làm biên kịch dễ hình dung được nhu cầu, định hình được sản phẩm và đôi bên dễ hiểu nhau hơn, còn hiện tại thì mỗi kịch bản ra lò có thể hướng tới nhiều đối tác sản xuất.
Cuối cùng, là cơ chế doanh thu và chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho biên kịch. Hầu hết biên kịch cho rằng mức kinh phí họ được trả vẫn ở mức thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, thiếu các chương trình đào tạo chất lượng, hiệu quả, liên kết quốc tế được vận hành cũng là điểm hạn chế cần sớm khắc phục.
Biên kịch là một nghề đòi hỏi rất cao về mặt sáng tạo, kiến thức, vốn sống và rất cần sự chăm chỉ, tập trung, nhất là kiên trì, chuyên tâm với công việc. Những người làm biên kịch thường cống hiến trong thầm lặng, ít người biết đến, cũng như ít được ghi nhận và là lý do khiến nghề này không còn hấp dẫn giới trẻ. Việc tăng cường trao giải thưởng cũng như hình thức tôn vinh, ghi nhận cho các nhà biên kịch trong các sự kiện, liên hoan phim là việc cần thiết, góp phần ghi nhận đóng góp, động viên họ làm nghề, đồng thời thu hút nhân tài đến với nghề.