Lựa chọn của trái tim
- Gia đình mong muốn Phạm Thùy Nhân trở thành bác sĩ và đã có chương trình qua Pháp du học, nhưng mùa đông năm 1969, ông đã chọn ghi danh vào Ðại học Văn khoa thuộc Viện Ðại học Ðà Lạt. Tôi nghĩ, ngành văn rất hợp với ông, còn bản thân ông có cho đó là một lựa chọn đúng?
- Tôi nghĩ là đúng. Khi còn học tiểu học tại quê nhà Phan Rí Cửa (Bình Thuận), tôi khá thành công trong việc kể chuyện ở giờ sinh hoạt học đường. Bạn bè rất thích nghe tôi kể chuyện cổ tích vào những giờ đó, thậm chí khi học lớp nhì ở Trường tiểu học Thanh Lộc, tôi còn được thầy lớp nhất trên tôi một lớp mời sang kể chuyện cho các anh chị nghe. Có lẽ đây là nền tảng để về sau tôi phát triển công việc sáng tác, cũng là kể những câu chuyện nào đó cho hấp dẫn được công chúng…
- Ðến bây giờ, giới kịch nghệ vẫn nhắc về Ban kịch Thụ Nhân của Viện Ðại học Ðà Lạt ngày trước như là một hình mẫu về niềm đam mê và sự sáng tạo của giới trẻ đương thời. Chỉ là một sân chơi sinh viên nhưng lại là nơi khởi đầu tạo nên những tên tuổi trong làng sân khấu - điện ảnh nước nhà như Lê Cung Bắc, Phạm Thùy Nhân, Thanh Lan, Lê Kim Ngữ, Phạm Văn Lại… Là một trong những người được coi là linh hồn của ban kịch này, xin ông nhìn nhận lại giá trị và sự đóng góp của Ban kịch Thụ Nhân?
- Giá trị lớn nhất của Ban kịch Thụ Nhân mà tôi cảm nhận được, đó là “quà tặng” quý giá nhất mà Thượng đế (nếu có) đã ban cho tuổi thanh xuân của mình trong một thế giới đầy rẫy hận thù, bạo lực, giả dối… đang phủ vây quanh. Bởi chúng tôi đã được sống hết mình trong bầu không khí “thanh tẩy” của nghệ thuật. Chỉ cần một ổ bánh mì và cái túi rỗng, tôi có thể đi lang thang khắp phố Ðà Lạt, tưởng tượng ra những lớp diễn khác nhau của vở “Thành Cát Tư Hãn” mà tôi sẽ tập cho các bạn diễn trong vài tiếng đồng hồ nữa tại giảng đường Spellman - Viện Ðại học Ðà Lạt. Có thử thách nào làm cho con người ta đạt được cảnh giới thăng hoa trí tuệ và cảm xúc cho bằng sự sáng tạo nghệ thuật?! Ban kịch Thụ Nhân đã được hình thành bởi những trái tim đam mê, những khối óc sáng tạo và vô vụ lợi của các nghệ sĩ - sinh viên chúng tôi mà hiếm một kịch đoàn nào có được.
- Hình như trong huyết quản của ông đã chứa sẵn tình yêu nghệ thuật. Ðó còn là sự ảnh hưởng từ người mẹ thích gảy đàn mandolin và hát, là sự hòa cảm với những ngư dân quê nhà hóa thân trong lối hát Bả Trạo. Nhưng có lẽ, người mang đến cho ông nguồn cảm hứng, giúp ông nhận thức sâu sắc nhất về nghệ thuật chính là giáo sư, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan?
- Mẹ tôi đã pha vào dòng máu của tôi nguồn cảm hứng âm nhạc của bà. Tôi nhận ra rằng, tôi rất sung sướng và hãnh diện khi ôm cây đàn mandolin đi cạnh mẹ vào một nhà hát tại quê nhà, mỗi khi bà tham gia vào một chương trình văn nghệ. Song, khi tôi trưởng thành bước vào ngưỡng cửa đại học và có cơ may gặp được giáo sư Vũ Khắc Khoan, thì chính nhân cách và tài năng của thầy thông qua những vở kịch nổi tiếng do thầy sáng tác như “Thành Cát Tư Hãn”, “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, “Những người không chịu chết”, “Ga xép”… cũng như những bài giảng của giáo sư về kịch nghệ và thẩm mỹ sân khấu đã hấp dẫn tôi, dẫn dắt tôi đi vào con đường định mệnh này!...
Con đường gai nhọn và những đóa hoa
- Ðọc tập đầu cuốn “Con đường gai nhọn” mà ông vừa cho ra mắt tại Ðà Lạt, chính là nơi ông phải đối diện với “gai nhọn” đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận, có một Phạm Thùy Nhân từng rất hoang mang khi không thể lên học bậc cao học sau khi tốt nghiệp Cử nhân Việt văn. “Biến cố” này có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của ông trong quãng đời làm nghệ thuật về sau?
- Tất nhiên lúc đó, tôi cảm thấy tuyệt vọng khi nhận cú “rờ-ve” trời giáng vào mặt và bật ngã xuống đài. Nhưng rồi tôi tỉnh lại và nhận ra rằng mình phải sống, mình không thể bị khuất phục một cách bất công như vậy! Sau này, khi dấn thân vào thế giới điện ảnh chuyên nghiệp, tôi cũng từng phải đối mặt với những hoàn cảnh khốn đốn, nhưng đã vượt qua bằng nghị lực đối kháng của bản thân mình.
- Hình như kịch bản “Mùa dưa” và ngay cả “Gánh xiếc rong” - một phim gặt hái rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đã từng gặp nhiều “vấn đề” trước khi được ca ngợi hết lời?
- Ðôi khi tôi nghĩ đó là cái “số phận” của tôi, như cụ Nguyễn Trãi từng cảm thán: “Ðã buồn vì trận mưa rào, lại đau vì nỗi ào ào gió đông”. Ðã là “số phận” thì “sống chung với lũ” vậy. Biết đâu qua đó lại có thêm những “Mùa dưa” và “Gánh xiếc rong” khác.
- Lao động nghệ thuật là một quá trình tích lũy, trải nghiệm không ngừng nghỉ. Ông có nghĩ bản thân mình đã học, sống, suy ngẫm, tư duy và sáng tạo hết mình cho sân khấu và điện ảnh?
- Tôi đã sống hết mình cho sân khấu và điện ảnh trong phạm vi sức lực và hoàn cảnh của mình. Bởi tôi yêu đến si mê cái thế giới đầy sức quyến rũ ma mị đó. Tôi đau khổ và hạnh phúc vì nó. Tôi chỉ có một cuộc đời mà tôi đã và đang trải qua, không có cuộc đời nào khác. Tôi không hề hối tiếc vì cái tình yêu nghệ thuật đã cuốn hút tôi.
- Thông điệp cốt lõi nhất trong các tác phẩm của mình mà ông muốn gửi gắm đến với công chúng? Và ông nghĩ, bản thân mình đã chuyển tải những thông điệp đó tốt nhất hay chưa?
- Trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi, tôi luôn đau đáu về số phận con người, về mối quan hệ giữa con người với con người và con người với môi trường sống chung quanh. Từ đó, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người luôn luôn đặt ra và trả lời cho những vấn nạn không hề dễ dàng, thậm chí bế tắc! Thế giới đang hỗn loạn và dễ tổn thương này sẽ đi về đâu? Chủ nghĩa nhân đạo (humanisme) sẽ như thế nào?...Tôi không nghĩ là mình đã làm tốt những điều đó. Tôi chỉ biết rằng, đã cố gắng trong giới hạn của mình…
- Môi trường điện ảnh nước nhà (từ góc độ tổ chức, quản lý, duyệt phim, công chúng…) trong thời gian qua và hiện thời có làm cho Phạm Thùy Nhân đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và “tuột” cảm hứng sáng tạo?
- Ðiều này thì có, thậm chí có phần ảnh hưởng, tác động sức sáng tạo của nghệ sĩ. Khi nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi đã cay đắng thốt lên đó là “Con đường gai nhọn”! Nhưng dẫu sao tôi vẫn còn có cái may mắn để cố gắng vươn lên, không để bị “tuột” do những nghịch cảnh.
- Ðã có nhiều chương trình nhằm chấn hưng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Nhưng nhìn chung, điện ảnh chúng ta vẫn chưa thoát ra được thực trạng “ao làng”. Làm cách nào để cải thiện tình hình “chưa mấy sáng sủa” của điện ảnh nước nhà?
- Cá nhân tôi không thể làm gì cho nó “sáng sủa” hơn. Ðó là việc của những người được giao phó nhiệm vụ này. Họ có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, niềm tin. Luật chơi là vậy! Tôi hiểu điều đó nên cũng không mắc míu gì. Tôi có con đường của tôi - “con đường gai nhọn” - để đi trên đó, mà tôi đã đi qua nhiều năm tháng rồi. Và tôi đã được cuộc đời trao tặng những đóa hoa…
- Xin cảm ơn nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã dành cho bạn đọc báo Nhân Dân cuối tuần cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này!
NBK Phạm Thùy Nhân là tác giả kịch bản của các phim truyện điện ảnh: Gánh xiếc rong (Bông sen bạc, LHP Việt Nam lần thứ 9 và sáu giải thưởng quốc tế); Dấu ấn của quỷ (Giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 10, Giải đặc biệt LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 38, Fukuoka, Nhật Bản, 1993); Mê Thảo - thời vang bóng (Bông hồng vàng Camuna, LHP Quốc tế Bergamo lần thứ 21, I-ta-li-a, 2003) và các phim: Xương rồng đen (1991), Ðoạn cuối thiên đường (1993), Nhịp đập trái tim (1995); Mùa dưa (1998)… Ông cũng sáng tác nhiều phim truyện truyền hình: Dòng đời (52 tập); Vó ngựa trời Nam (37 tập); Bình Tây đại nguyên soái (40 tập)…