Tại buổi họp báo, VCCI đã công bố chuỗi các hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong đó đáng chú ý có hai hoạt động quan trọng là Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” và Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.
Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/10 tại Hà Nội. Bên cạnh nội dung kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Ban Tổ chức sẽ trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 doanh nhân được vinh danh TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Đây là kết quả được cộng đồng doanh nhân cả nước mong đợi từ Chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 do VCCI phát động từ tháng 7/2022.
Đây là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững.
Về hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” sẽ được tổ chức trong dịp này và do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Theo lãnh đạo VCCI, xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp.
Văn hóa kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính là: doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia. Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần bắt đầu từ xây dựng từ con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ … Đây cũng là hội thảo khoa học đầu tiên chuyên đề về đạo đức doanh nhân trong bối cảnh mới. Lãnh đạo hai cơ quan sẽ cùng chủ trì hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện cộng đồng doanh nhân trong nước, quốc tế tham dự hội thảo.
Cũng tại buổi họp báo, VCCI đã công bố "biểu trưng" mới của Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu 2022. Được lấy cảm hứng từ mũ của vua Hùng Vương, biểu trưng có 6 cánh biểu tượng cho 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.