Không gian bích họa trên phố Phùng Hưng những ngày này được trang trí bởi những chiếc đèn lồng rực rỡ mầu sắc. Trong tiếng trống múa lân thì thùng, các bạn nhỏ được tham gia những trò chơi dân gian, khi thì kéo co, khi thì đi cà kheo, khi thì thử sức với trò đánh chuyền, bịt mắt bắt dê... Ở một góc khác, một nhóm bạn nhỏ cùng nhau chơi trò ô ăn quan.
Các gian hàng giới thiệu đồ chơi, trải nghiệm cũng rất đông khách. Các em được các nghệ nhân hướng dẫn làm đèn ông sao, nặn con giống bột, tìm hiểu về con phỗng đất hay những chiếc đèn kéo quân.
Em Lê Đức Thịnh ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình cho biết: "Em rất vui khi được tham gia các hoạt động đón Trung thu năm nay. Em không ngờ là các trò chơi dân gian ngày xưa lại hấp dẫn như thế".
Phố cổ Hà Nội dịp này ngập tràn sắc màu Trung thu. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ) giới thiệu trưng bày "Trở về Trung thu xưa" với gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh giúp công chúng quay ngược thời gian để tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung hay trên phố phường Hà Nội xưa. Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây), Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm)... các em nhỏ được xem biểu diễn rối cạn, trải nghiệm làm bánh, ngắm mâm cỗ Trung thu...
Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: "Các hoạt động đón Trung thu được tổ chức tại phố cổ nhằm đem tới cho các em thiếu nhi một sân chơi ý nghĩa, bổ ích, thú vị; để các em hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, được sống lại trong không khí Tết Trung thu truyền thống. Đây cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, các thợ thủ công. Chúng tôi mong muốn qua dịp này, mọi người hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống và chung tay gìn giữ các giá trị".
Hoạt động đón Tết Trung thu tại các di sản là một "đặc sản" của Hà Nội. Với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa, các nghệ nhân dân gian, các em nhỏ vừa được tham gia các trò chơi, vừa được tìm hiểu nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống.
Không gian hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám) dịp này được Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức chương trình "Ký ức mùa trăng 2023". Trong đó, hoạt động có tính điểm nhấn là trải nghiệm "Cá chép vượt vũ môn" với nhiều hoạt động tranh tài dưới chủ đề "Thắp sáng ước mơ tri thức". Mỗi đội tham gia trải nghiệm sẽ cùng nhau vượt qua các thử thách như "nhanh mắt nhanh tay", "khéo tay hay làm", "thăng bằng trên cầu khỉ"... để về đích khi treo đèn Trung thu vào đúng nơi quy định.
Tại đây còn có sự kiện giao lưu ảnh với chủ đề "Tôi yêu hồ Văn". Mọi người yêu nhiếp ảnh đều có thể tham gia bằng cách chụp lại những bức ảnh đẹp về hồ Văn gửi về Ban Tổ chức để tranh giải bức ảnh xuất sắc nhất...
Hoàng thành Thăng Long dịp này cũng là điểm đến thú vị với Chương trình Trung thu mang chủ đề "Đèn thu lung linh". Tại đây, các em nhỏ và du khách được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú như tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền, các đồ chơi Trung thu dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ.
Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã phối hợp nhà nghiên cứu, các nghệ nhân phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền như: Đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống... Các em nhỏ cũng được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn.
Nghệ nhân con giống bột Đặng Văn Hậu chia sẻ: "Tết Trung thu là một trong những dịp để các nghệ nhân chúng tôi đem nét đẹp văn hóa truyền thống đến với cộng đồng, nhất là với các em thiếu nhi. Vì vậy dù bận rộn với các hoạt động, nhưng tôi luôn thấy rất vui".