Sân khấu của chương trình “Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội” sử dụng toàn bộ khoảng không gian khu vực trước Đoan Môn của Hoàng Thành Thăng Long, tạo thành một sân khấu thực cảnh rất lớn, mang lại cho công chúng trải nghiệm thị giác đặc biệt với những dấu ấn đậm nét Thăng Long-Hà Nội.
Trong không khí linh thiêng, chương trình đã tái hiện một không gian âm nhạc đầy sáng tạo, mang đậm hơi thở dân gian đương đại, làm thăng hoa những nét đẹp trong tầng sâu văn hóa Thủ đô, nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa Việt.
Không gian trước Đoan Môn đã trở thành không gian nghệ thuật, để kể câu chuyện về chiều sâu văn hóa và lịch sử của Thăng Long-Hà Nội. Nhà báo Ngô Thanh, Giám đốc Trung tâm các chương trình giải trí của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội cho biết ê-kip đã sử dụng tới hơn 500m2 màn hình LED, để trải hết toàn bộ mặt tường chính diện Đoan Môn. Riêng dàn laywer trust để treo những tấm LED lớn cao tới 11m, khẩu độ hơn 50m, phải thi công trong nhiều ngày ròng rã. Hệ thống âm thanh chất lượng cao trong chương trình có giá lên tới hơn 1 triệu USD do hãng D&B Audiotechnik của Đức sản xuất.
“Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội” là chương trình được Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đầu tư về chất lượng nghệ thuật và quy mô, với sự góp mặt của hơn 200 nghệ sĩ. Mở đầu là màn trống hội “Khí chất Thăng Long” với sự tham gia của 70 nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng 70 chiếc trống, biểu trưng cho 70 năm giải phóng Thủ đô đã đem đến màn mở đầu đầy ấn tượng, trang nghiêm mà hào sảng, tỏ rõ cái khí chất của mảnh đất đế đô muôn đời.
Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hoa thể hiện ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội". |
Như một cuộc hạnh ngộ của lịch sử và mùa thu, trải qua một thiên niên kỷ, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội luôn gắn liền với những mùa thu hào hùng và rực rỡ. Dẫu trải qua biết bao thăng trầm, biến cố thì Hà Nội và mùa thu vẫn cứ hòa vào nhau, tan trong nhau để biến thành “dòng chảy” bất tận của lịch sử. Với phong thái trữ tình và lãng mạn, Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hoa mang tới cho khán giả một mùa thu Hà Nội dịu dàng mà lay động, nhẹ nhàng mà sâu sắc, khiến người xem trào dâng cảm xúc khắc khoải và nhung nhớ.
Âm nhạc truyền thống nói chung và dân ca nói riêng được xem là “tiếng lòng” của một dân tộc, ra đời và tồn tại như một thành tố quan trọng, thiết thân và không thể thiếu được trong sinh hoạt văn hóa dân gian, cố kết cộng đồng và gắn bó xã hội. Ngày nay, việc đưa di sản âm nhạc truyền thống như một “dòng chảy” hòa vào “đại dương” bao la của âm nhạc thế giới trở thành một xu hướng phổ biến. Những tín hiệu văn hóa có tính cội nguồn đó thể hiện rõ nét trong trong các bài dân ca được tái hiện đầy sáng tạo và độc đáo trong “Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội”.
Ca sĩ Bảo Yến mượt mà với làn điệu dân ca Bắc Bộ. |
Vẫn giữ được nét du dương, trữ tình, nhưng “Bèo dạt mây trôi” và “Hoa thơm bướm lượn” lại được hai ca sĩ trẻ Quách Mai Thy và Bảo Yến thổi vào đó cả sự nồng nàn và mê luyến của những bản tình ca đương đại. Sự pha trộn nhuần nhị giữa âm nhạc truyền thống và nhạc cụ Tây phương không làm mất đi cái duyên dáng và ý nhị vốn có của hai bản dân ca nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Vượt ra khỏi khuôn thước trang trọng, tinh tế và đôn hậu vốn có, ca khúc “Cò lả” bỗng tạo cho khán giả cảm giác cực kỳ phấn khích qua sự đột phá đầy táo bạo trong phần hòa âm phối khí và sự thể hiện của bộ đôi Yến Lê và Raper Yanbi.
Ca sĩ Hà Myo với Xẩm Hà Nội. |
Không gian sân khấu Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long) được đánh thức và bùng nổ với Xẩm Hà Nội. Vẫn đưa người xem trở lại với đất “Kẻ Chợ” của kinh thành Thăng Long xưa, chợ Đồng Xuân Thủ đô Hà Nội nay, nhưng Hà Myo và vũ đoàn Hà Nội Trẻ đã tạo ra những bất ngờ thú vị cho khán giả qua phần phần phối ngẫu độc đáo và sáng tạo giữa Xẩm cùng Rap và EDM.
Ca sĩ trẻ An Thu An với "Đêm ả đào". |
Nhắc đến âm nhạc truyền thống của Thăng Long xưa, người ta nhớ ngay đến Ca trù, loại hình âm nhạc cao quý, mang tính hàn lâm ra đời từ thế kỷ 15 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Trong thơ có nhạc, trong nhạc lại có thơ, không gian diễn xướng của ca trù được mở rộng trong không gian lung linh huyền bí của chương trình nghệ thuật “Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội”. Dòng chảy âm nhạc đương đại nhập vào với Ca trù, đưa người nghe dập dìu, chuếnh choáng trong men say và khung cảnh huyền diệu ở đâu đó trên con phố Khâm Thiên trong “Đêm ả đào”.
Ca sĩ Tùng Dương hát "Một thoáng Tây Hồ". |
Tùng Dương, giọng ca tràn đầy năng lượng khiến người xem mê đắm bởi liên khúc “Một thoáng Tây Hồ” và “Chiều phủ Tây Hồ” đầy liêu trai. Yếu tố nghệ thuật và tâm linh trở nên “đặc quánh” trong bầu không gian bảng lảng chốn “động thiên phúc địa” của mảnh đất kinh kỳ vạn cổ, nơi ghi dấu biết bao huyền tích linh thiêng được tích tụ ngàn đời dưới mênh mông sóng nước hồ Tây của Thăng Long- Hà Nội.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thắng Lợi lần đầu thể hiện ca khúc "Hoàn Kiếm" của nhạc sĩ Giáng Son. |
“Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội” đưa khán giả trở lại hiện tại với hình ảnh Thủ đô hôm nay qua vị thế “trung tâm” của đất nước, nơi tụ hội văn hiến ngàn năm, trung tâm của sự kết tinh, nơi hấp thụ, đơm kết và hình thành nên bản sắc riêng, thể hiện rõ qua nét hào hoa và sự tinh tế. Lần đầu tiên trên một sân khấu lớn, ca khúc “Hoàn Kiếm” của nhạc sĩ Giáng Son (phổ thơ Nguyễn Vĩnh Tiến) được Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thắng Lợi thể hiện thiết tha, nồng nàn, nhưng cũng rất hào sảng.
Tự ngàn xưa, Hà Nội vốn nức tiếng là vùng đất văn hiến. Chất hào hoa, thanh lịch thể hiện ở sự tao nhã, khéo léo và tinh tế trong ứng xử; phóng khoáng và đậm nét thanh lịch. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Hà Nội đã hun đúc cho mình một khí chất riêng có: trí tuệ mà hàn lâm; kẻ sĩ mà hào hoa, phong nhã mà chừng mực, nghĩa khí mà nhân ái. Xuất phát từ ý tưởng phác họa lại “hồn cốt” của người Hà Nội bằng nghệ thuật âm nhạc, phiên bản đặc biệt của ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” đã được chuyển soạn thành khí nhạc qua phần trình diễn của 70 nghệ sĩ trong dàn nhạc dân tộc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.
70 nghệ sĩ trình diễn bản khí nhạc "Hà Nội linh thiêng hào hoa". |
Cảm tác về một Hà Nội cổ kính và văn hiến, nhạc sĩ An Thuyên đã hình tượng hóa 36 phố phường Hà Nội như 36 dây đàn Tam thập lục, để từ đó tạo nên “Sóng đàn Hà Nội”. Ca khúc khép lại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội” với hình ảnh đoàn quân về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954 trên cầu Long Biên và các thiếu nữ Hà Nội hân hoan đón chào bên cầu Thê Húc. Sự gắn kết đầy ý nhị này đã mang lại khúc vĩ thanh trọn vẹn cho đêm nhạc hoành tráng, chất lượng, chương trình nghệ thuật đặc biệt mở đầu cho chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô.