Tòa án giữ nguyên bản án chung thân đối với Khieu Samphan

NDO - Ngày 22/9, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) xử phiên phúc thẩm cũng là phiên cuối cùng đối với kháng cáo của bị cáo Khieu Samphan - cựu Chủ tịch nước của chế độ “Campuchia Dân chủ”.
0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Khieu Samphan tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Khieu Samphan tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong phán quyết lần này, Tòa án vẫn kết tội diệt chủng và giữ nguyên án chung thân đối với Khieu Samphan, đồng thời đóng lại việc kháng cáo của bị cáo.

Theo ông Neth Pheaktra, người phát ngôn ECCC, phán quyết đóng lại việc kháng cáo cũng là kết thúc toàn bộ hồ sơ vụ án số 002/02 đã kéo dài 15 năm kể từ ngày mở cuộc điều tra đầu tiên, bắt giữ Khieu Samphan cho đến khi xét xử và công bố bản án vào ngày 22/9/2022.

Tòa án phúc thẩm đưa ra phán quyết trên sau khi Khieu Samphan có kháng cáo. Trước đó, vào tháng 11/2018, ECCC đã kết án Khieu Samphan mức án tù chung thân với cáo buộc diệt chủng, tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva.

Khieu Samphan, 91 tuổi, là bị cáo cuối cùng và duy nhất của phiên tòa phúc thẩm, trong khi 3 bị cáo khác là cựu lãnh đạo của chế độ Campuchia Dân chủ lần lượt qua đời trong quá trình điều tra, xét xử.

Trong đó, Ieng Sary, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao chết hồi tháng 3/2013; Ieng Thirith, nguyên Bộ trưởng Các vấn đề xã hội chết vào tháng 8/2015 sau khi được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ; Nuon Chea, nguyên Phó Bí thư Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội của chế độ Khmer Đỏ, bị kết án chung thân trong hồ sơ vụ án số 002/01 đã chết trong quá trình kháng cáo trong vụ án số 002/02 vào tháng 8/2019.

Theo người phát ngôn Neth Pheaktra, phán quyết vụ án 002/02 liên quan đến bị cáo Khieu Samphan là phán quyết cuối cùng của ECCC trong sứ mệnh tìm kiếm sự thật và công lý cho các nạn nhân Campuchia thông qua việc xét xử các cựu lãnh đạo và chỉ huy Khmer Đỏ, là 2 nhóm người chịu trách nhiệm về những tội ác nghiêm trọng, diễn ra từ 17/4/1975 đến 6/1/1979, lấy đi mạng sống của khoảng từ 1,7 triệu đến 2,2 triệu người Campuchia bằng các hành động vô nhân đạo.

“Đây là một thành tựu lịch sử nữa của Tòa án hỗn hợp Campuchia-Liên hợp quốc và là ngày lịch sử đối với nhân dân Campuchia, đặc biệt là các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ”, phát ngôn viên ECCC khẳng định.

ECCC (Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia) được thành lập theo thỏa thuận giữa Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Liên hợp quốc, có cơ chế hoạt động như một tòa án độc lập nhằm xét xử những đối tượng bị cáo buộc phạm tội ác diệt chủng dưới chế độ Campuchia Dân chủ.