Tổ nhân dân tự quản - Phát huy quyền tự chủ, tự quản của người dân

NDO -

NDĐT - Các “Tổ nhân dân tự quản” (NDTQ) ở tỉnh Đồng Tháp giờ đã thật sự là nơi bà con nhân dân trao đổi, thảo luận, bàn bạc những việc chung của cộng đồng, nào là phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, nào là khuyến học, giữ gìn an ninh trật tự nơi mình ở.

Buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Bình Hòa, xã Mỹ hội, huyện Cao Lãnh.
Buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Bình Hòa, xã Mỹ hội, huyện Cao Lãnh.

Thấy việc cần thiết là bàn bạc, thực hiện ngay

Tổ NDTQ số 2, ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh là một trong những tổ NDTQ được thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tiếp xúc với người dân nơi đây, chứng kiến những thay đổi tại khu vực các tổ viên sinh sống mới thấy vì sao mô hình này được nhiều hộ dân tích cực tham gia đến vậy. Tổ NDTQ số 2 có 25 hộ dân (hộ thành viên của tổ), chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Tổ duy trì sinh hoạt một lần/tháng, với tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt từ 80 - 90% trở lên. Mỗi khi sinh hoạt tổ là những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân trên địa bàn dân cư đều được các thành viên trong tổ đưa ra bàn bạc rồi cùng nhau giải quyết, đi đến thống nhất. Từ đó, những chuyện gì còn trăn trở, còn khó khăn trong sinh hoạt đời thường cũng được các thành viên nêu lên một cách hết sức thoải mái trong những lần họp tổ. Như chuyện về giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau làm đẹp đường quê. Tổ cũng vận động góp vốn xây dựng một tuyến điện thắp sáng đường quê với chiều dài 318m, kinh phí hơn 5,2 triệu đồng. Tất cả hộ gia đình trong tổ đều có việc làm ổn định, học sinh trong độ tuổi đều được đến trường.

Phải nói rằng, mô hình tổ NDTQ đang thật sự phát huy một cách mạnh mẽ quyền tự chủ, tự quản của người dân, mô hình này cũng đang gây dựng lòng tin trong nhân dân, giải quyết những vấn đề cần thiết nhất trong đời sống người dân. Tổ trưởng Tổ NDTQ số 2, ấp Tân Trường Trần Bé Tiếu cho biết: “Ban tự quản của tổ làm gì đâu đó rõ ràng, nên người dân tin tưởng tổ. Những vấn đề gì thấy cần thiết đến quyền và nhiệm vụ của người dân thì mang ra bàn bạc trong họp tổ, khi thống nhất là bắt tay vào thực hiện ngay. Tổ hoạt động thành công là nhờ sự tự chủ, tử quản của tổ và người dân”.

Ngoài Tổ NDTQ số 2, ấp Tân Trường, nhiều tổ NDTQ khác trên địa bàn xã Mỹ Hội đang hoạt động rất mạnh. Anh Nguyễn Đăng Khoa, hộ thành viên của Tổ NDTQ số 4, ấp Bình Hòa, xã Mỹ Hội bộc bạch: “Từ khi tham gia vào tổ, gia đình tôi biết cách làm ăn, có nguồn thu nhập ổn định hơn trong việc làm vườn. Cũng tham gia tổ mà mình biết cách dạy con, cháu chăm ngoan, học tốt”.

Mô hình tổ NDTQ giờ cũng đã được định hình và phát triển khá mạnh trên địa bàn của huyện biên giới Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự. Tại huyện Hồng Ngự, nhiều hộ dân là thành viên của tổ NDTQ ở thị trấn Thường Thới Tiền, xã Thường Thới Hậu B đã tự nguyện đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực dân cư, chợ, trục lộ nông thôn. Nhờ đó, lực lượng công an và người dân dễ dàng phát hiện những vụ việc gây mất an toàn xã hội, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng trộm cắp, buôn lậu thuốc lá ngoại.

Đưa cán bộ, đảng viên về với nhân dân

Tổ nhân dân tự quản - Phát huy quyền tự chủ, tự quản của người dân ảnh 1

Một hộ thành viên tổ nhân dân tự quản (bìa phải) giới thiệu vườn xoài và mô hình “Cây xoài nhà tôi”.

Hiện nay, có nhiều tổ NDTQ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hộ thành viên trong tổ là cán bộ, công nhân viên chức, đảng viên, có tổ có đến bốn đảng viên. Nói về vai trò của các thành viên trong tổ, trong đó có các cán bộ, đảng viên, ông Trần Bé Tiếu khẳng định: “Tổ NDTQ là cầu nối cho cấp ủy đảng với nhân dân. Trong tổ có những người công tác đương nhiệm, đảng viên. Đó là những người vừa là hộ thành viên, vừa là nòng cốt hỗ trợ truyền tải những kiến thức trong cuộc họp, giúp cho tổ hoạt động hiệu quả hơn”.

Mô hình tổ NDTQ là mô hình được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và là mô hình hoạt động không trùng với bất cứ mô hình nào của các đoàn thể khác. Thường thì các tổ hoạt động mỗi tháng một lần. Nếu như bà con nhân dân không có nhu cầu thì hai hoặc ba tháng họp tổ một lần. Hộ thành viên trong tổ cũng đa thành phần, như doanh nghiệp, gia đình theo tôn giáo, nông dân,… “Mô hình này hay ở chỗ, mỗi lần họp nội dung không bị trùng với các cuộc họp hội đoàn thể khác. Nhiệm vụ của tổ và đoàn thể khác không bị trùng, chồng chéo mà nó hỗ trợ cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Hội Võ Chí Sĩ cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ hội Nguyễn Thị Phượng cho biết, lúc đầu các tổ NDTQ đi vào hoạt động, nhiều ngành, đoàn thể muốn tuyên truyền ra dân thông qua tổ NDTQ, tuy nhiên, Đảng ủy xã thấy những nội dung gì chủ trương lớn, việc gì bà con cần nắm thì mới tuyên truyền ra tổ.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh Huỳnh Thị Hoài Thu, Huyện ủy xác định đây là mô hình có sức sống từ dân. Huyện ủy chỉ đạo tất cả đảng viên ở ấp, khóm nào thì về ấp, khóm đó sinh hoạt theo tổ NDTQ. Ở xã cũng giao trách nhiệm cho Bí thư Đảng ủy xã phân công đảng viên dự sinh hoạt. “Tổ NDTQ là mô hình tại cộng đồng, để đưa đảng viên, cán bộ về với nhân dân, đây là việc tạo dựng hình ảnh của cán bộ, đảng viên giữa lòng nhân dân. Là một thành viên của tổ NDTQ, trong quá trình ngồi sinh hoạt cùng nhân dân, các đảng viên, cán bộ có hiểu biết về kiến thức thì họ có thể cập nhật thông tin kiến thức cho nhân dân tại cuộc họp tổ. Mô hình tổ NDTQ giúp cho các hộ dân tiến bộ về nhiều mặt. Nếu không có mô hình này thì nhiều xã khó thành công trong việc xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu khẳng định.

Duy trì và hoạt động phải hiệu quả hơn

Tổ NDTQ là mô hình hoạt động làm cho người dân có cảm giác tự do, thoải mái trong quá trình sinh hoạt. Có thể tháng này tổ họp bàn về phòng, chống dịch tả lợn châu phi, tháng sau bàn liên kết xoài, vận động con em trở lại lớp chuẩn bị năm học mới,... Trước khi bước vào cuộc họp, tổ có thể mời đại biểu dự để thông tin sâu hơn các vấn đề đang “nóng” tại tổ mình. Các tổ NDTQ hoạt động tự do nhưng phải theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Đoàn Thị Nghiệp cho biết, trong cuộc họp tổ NDTQ, có thể Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện,… đến tham dự, lắng nghe, khi thấy việc gì cần thiết thì thông tin lại với bà con, chứ không phát biểu chỉ đạo trong tổ, chỉ nghe và ghi những ý kiến của bà con nhân dân, để sau đó về giao cho các ngành, xã cần phải làm gì trong việc thực hiện nhiệm vụ để người dân có cuộc sống tốt hơn. Về nội dung sinh hoạt, Đảng ủy xã định hướng cho các tổ NDTQ nên sinh hoạt theo chủ đề gì hằng tháng cho phù hợp với tình hình khu vực của tổ, việc lên kế hoạch họp tổ do ban quản lý tổ thống nhất xây dựng.

Tổ NDTQ là tổ chức tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư. Tổ trải qua các tên gọi khác nhau như: tổ an ninh nhân dân (mô hình được tỉnh Đồng Tháp triển khai từ năm 1993), tổ dân phòng - khuyến học. Do phạm vi hoạt động của các tổ này bị giới hạn việc tham gia của nhiều thành phần và giới, làm cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn những hạn chế, nên cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá hoạt động của mô hình tổ dân phòng - khuyến học. Hội thảo đã đề xuất đổi tên gọi mới là tổ NDTQ cộng đồng. Tháng 9 - 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ban hành công văn về việc lãnh đạo hoạt động mô hình tổ NDTQ cộng đồng. Sau thời gian tổ chức thực hiện thí điểm ở 36 tổ trên tất cả 12 huyện, thị, thành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đổi tên gọi mới là tổ NDTQ, chỉ đạo Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch và hướng dẫn việc tổ chức và quy trình triển khi thực hiện nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Cũng kể từ thời điểm này, tất cả tổ chức có tính tương đồng đều hợp nhất vào tổ NDTQ, trên địa bàn dân cư chỉ tồn tại duy nhất mô hình tổ NDTQ.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 12.700 tổ NDTQ (một tổ từ 15 đến 40 hộ dân cùng sống liền kề trên địa bàn dân cư). Tổng số hộ thành viên tổ NDTQ là hơn 427.600 hộ. Nét nổi bật của Đồng Tháp khi thực hiện mô hình này là chia nhỏ địa bàn, để người dân tự quyết, tự quản các vấn đề gắn với đời sống, cộng đồng dân cư; chính quyền và các tổ chức chính trị chỉ đóng vai trò định hướng, giám sát, hỗ trợ hoạt động. Các tổ hoạt động tự túc kinh phí nhưng đều phấn khởi vì nhận thấy mô hình mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư. Mô hình tổ NDTQ đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tập quán sản xuất, làm ăn nhỏ lẻ của người dân, thúc đẩy truyền thống tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực cùng với Đảng, chính quyền hoàn thành tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Gần đây, mô hình tổ NDTQ của Đồng Tháp được nhiều tỉnh, thành phố đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và cho đây là cách làm bài bản, sáng tạo của tỉnh trong việc triển khai, thực hiện.

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 9.200 tổ NDTQ được khóm, ấp, cấp xã và cấp huyện phối hợp đánh giá hoạt động tốt (chiếm hơn 72%). Có 3.455 tổ hoạt động còn hạn chế, chưa đi vào nền nếp (chiếm 27,23%), lý do thành viên ban quản lý tổ còn hạn chế về sức khỏe, kinh nghiệm hoạt động xã hội, ngại tiếp xúc với cộng đồng và kể cả giữ mối quan hệ thường xuyên với chi ủy,...

Nói về kinh nghiệm tổ chức thực hiện mô hình này trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng cho biết, vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo việc xây dựng quy chế hoạt động của tổ NDTQ phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, sát với yêu cầu thực tế của địa bàn dân cư. Nội dung và hình thức hoạt động cần đa dạng do ban quản lý tổ chủ động bàn bạc, thống nhất, triển khai trên cơ sở bám vào quy chế hoạt động để phát huy sự đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư, tránh hành chính hóa các hoạt động của tổ; các địa phương cần tăng cường việc tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các tổ trưởng tổ NDTQ.

Việc thí điểm, nhân rộng mô hình tổ NDTQ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được triển khai, quán triệt trong toàn thể hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có phân công trách nhiệm cụ thể: cấp ủy Đảng lãnh đạo nhiệm vụ chính trị; MTTQ phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn nội dung hoạt động cụ thể phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng khóm, ấp. Mô hình tổ NDTQ do UBND cấp xã quyết định thành lập và công nhận quy chế hoạt động; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã công nhận ban quản lý và định hướng hoạt động.