Đối với NXB Kim Đồng, Tô Hoài là một trong những người đặt nền móng và thậm chí ông còn là người đặt tên cho NXB. Tổng Biên tập, Giám đốc NXB Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, những hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài không chỉ là sự vinh danh mà còn là sự tri ân của NXB đối với nhà văn đã lập nền móng và đặt tên cho Kim Đồng.
Trong làng văn, Tô Hoài cũng là một trong những người có nhiều tác phẩm nhất, rải rộng cho nhiều đối tượng, từ thiếu nhi cho tới người trưởng thành. Ông cũng là người dấn thân vào nhiều công việc khác nhau để từ đó có được những nguồn tư liệu sống động cho các trang viết của mình.
Nhà thơ Vũ Quần Phương kể lại: “Tô Hoài gần dân, chịu khó tham gia vào các công việc của dân để lấy tư liệu như tổ trưởng dân phố, thậm chí tổ trưởng tổ nước sôi… Năng suất lao động của Tô Hoài cũng chưa có ai đuổi kịp, gần 90 tuổi rồi vẫn viết”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương còn kể về sự tôn kính của Tô Hoài đối với một nhà văn “cây đa cây đề” khác là Nguyễn Tuân. Nhà thơ cho biết, đối với ông, cả hai nhà văn đều là những bậc đại thụ trong làng văn Việt Nam, nhưng nhà văn Tô Hoài đối với nhà văn Nguyễn Tuân luôn giữ một thái độ kính cẩn. “Tôi Hoài luôn coi Nguyễn Tuân là bậc bề trên. Đó là một thái độ đáng kính của các nhà văn thời xưa”-– ông nói.
TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, điều làm nên sức hấp dẫn trong các tác phẩm của Tô Hoài là những nghiên cứu sâu của ông, thông thạo nét đất nét người cho dù viết đề tài gì. Ông viết về những gì quen thuộc gần gũi, viết về bạn bè, về những người chung quanh mình. Ông không phản ánh hiện thực trong văn của mình, mà kiến tạo nên hiện thực từ những cảm nhận của mình.
TS giáo dục, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh (ảnh trên), người có rất nhiều trải nghiệm với các tác phẩm của Tô Hoài cùng nhiều lứa độc giả nhí trong CLB Đọc sách cùng con của chị, cho rằng tác phẩm của Tô Hoài hấp dẫn ở tính hóm hỉnh, gần gũi với các em nhỏ và thấm đẫm sự nhân hậu. Chị cũng chia sẻ rằng, cách dùng từ của nhà văn rất được các em nhỏ để ý. “Ngôn ngữ của ông có sự ngọ nguậy, khúc khích ở trong đó", chị cho biết.
Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn, theo TS Nguyễn Thụy Anh, còn rất giá trị ở chỗ khơi gợi trẻ nhỏ viết theo cách riêng của mình, khuyến khích các bạn nhỏ có những trải nghiệm để hiểu được những định nghĩa trong văn của ông.
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” năm 1959. Ông cho biết, khi đó ông đang học họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình tại trường Đại học Quốc gia Liên Xô. Khi đó, một nhà văn Nga đã gợi ý ông vẽ minh họa cho “Dế mèn”. “Khi đó tôi mới học năm thứ hai, tôi đã đi Bảo tàng côn trùng ở bên đó để tìm hiểu về dế mèn, nhưng không có, chỉ có châu chấu. Nhưng tôi vẫn bắt tay vào vẽ. “Dế mèn phiêu lưu ký” đã mở ra cho tôi một thế giới mới lạ, có những con vật tôi chưa từng biết đến, như gọng vó” - họa sĩ chia sẻ.
Năm 1972, lần thứ hai họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ Dế mèn là do nhà văn Tô Hoài đề nghị. “Ở lần thứ hai này, tôi đã vẽ đúng và hợp lý hơn. Tôi vẫn nhớ, vẽ xong, tôi và nhà văn đi uống bia ở phố Hàng Buồm, nhưng kẻng báo động kêu vang, thế là chúng tôi đành phải bỏ để chạy xuống hầm”.
Lần thứ ba vẽ Dế mèn, họa sĩ vẽ theo yêu cầu của NXB Kim Đồng vào năm 1989. “Khi đó sách in giấy khổ nhỏ, khá là khó để căn chỉnh cho phù hợp”. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho biết, bản minh họa năm đó được Bộ Giáo dục - Đào tạo và UNICEF trao giải, và được UNICEF lựa chọn để triển lãm tại Mỹ. “Nhà văn Tô Hoài là người đã đem lại cho tôi tình yêu với những nhân vật nhỏ bé chung quanh mình” - ông nói.
Chính vì những giá trị trong cả ngôn từ, cách kể chuyện, nội dung, thái độ và những thông điệp nhân văn, cho nên Tô Hoài cũng là một trong những tác giả có được lựa chọn in trong sách giáo khoa các cấp nhiều nhất.
PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phân tích, tác phẩm của ông có nghệ thuật kể chuyện dí dỏm, ngôn từ hấp dẫn. Các cấp học đều lấy các tác phẩm của ông để làm bài học, bài tập, ngữ liệu. Các tác phẩm của ông đều sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, gần gũi, dễ đưa vào nhà trường. “Tên các nhân vật của ông đã đi vào đời sống thường ngày, đó là hạnh phúc của người viết” - PGS.TS Bùi Thanh Truyền chia sẻ.