Tổ chức tốt đại hội các hội văn học, nghệ thuật nhiệm kỳ 2025-2030

Nhiệm kỳ đại hội 5 năm của các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2025. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14/6/2024, về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong ngày 24/11/2021 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong ngày 24/11/2021 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chỉ thị nêu rõ, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021), các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chương trình, dự án lớn về văn học, nghệ thuật đã được triển khai; nhiều chính sách mới cho văn hóa, văn học, nghệ thuật và chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo xây dựng, đi vào cuộc sống.

Các hội văn học, nghệ thuật trên toàn quốc đã có những đổi mới phương thức sinh hoạt, kiện toàn tổ chức, nhân sự; đại bộ phận văn nghệ sĩ tâm huyết sáng tạo, gắn bó và tiếp nối các giá trị truyền thống yêu nước, đạo đức, nhân văn của dân tộc. Tinh thần chủ động, đồng hành, nhập cuộc của giới văn nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được đề cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là: những đòi hỏi, áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những biến động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tình trạng xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu; môi trường chính sách đang hoàn thiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự thuận lợi, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động sáng tạo và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ…

Để tổ chức tốt các đại hội nhiệm kỳ mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các hội và liên hiệp hội tập trung vào một số việc trọng tâm như: đánh giá sâu sắc mọi mặt hoạt động nhiệm kỳ đã qua, nêu rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý và hoạt động hội; đồng thời xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm giá trị cao cả về nghệ thuật và tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ…

Trong hệ thống chính trị hiện nay, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chúng ta có Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và 10 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Thời gian tổ chức các đại hội và liên hiệp hội sẽ bắt đầu từ tháng 3/2025 và kết thúc trong tháng 7/2025. Phương thức tổ chức là đại hội cơ sở và đại hội toàn quốc; trong đó đại hội cơ sở là đại hội toàn thể, đại hội toàn quốc là đại hội đại biểu được bầu từ cơ sở hoặc đại hội toàn thể (do cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Chung quanh công tác nhân sự, bầu cử ở các cấp trước khi diễn ra đại hội đã từng xảy ra một số việc “lùm xùm” ngoài lĩnh vực chuyên môn như kiện cáo nặc danh, vô căn cứ, mục đích không phải để làm trong sạch, vững mạnh tổ chức mà nhằm làm mất uy tín, thậm chí triệt hạ người mình không ưa. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, những sự việc này lan truyền nhanh chóng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của một bộ phận cán bộ mà còn hạ thấp hình ảnh của giới, ngành nghệ thuật trong mắt công chúng.

Vì vậy, việc lựa chọn, giới thiệu đại biểu tham gia đại hội toàn quốc và nhân sự ban chấp hành khóa mới phải thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển theo hướng trẻ hóa đội ngũ, ưu tiên những người có đầy đủ năng lực, phẩm chất, có khả năng tập hợp và đoàn kết văn nghệ sĩ. Trước mắt, các hội cần tổ chức tốt đại hội cơ sở, lựa chọn được những người có uy tín chuyên môn, gương mẫu, có kinh nghiệm, sức khỏe và khát vọng cống hiến.

Lắng nghe, tôn trọng ý kiến khác biệt, nhưng phải kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ cố tình gây nhiễu loạn công tác tổ chức, nhân sự, làm nản lòng những người thật sự có năng lực và tâm huyết. Những ý kiến trao đổi, góp ý, phản biện cần được thực hiện công khai, dân chủ, thẳng thắn, tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư cũng yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo trực tiếp đại hội các hội văn học, nghệ thuật địa phương; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các đại biểu địa phương được bầu tham dự đại hội toàn quốc.

Đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 được kỳ vọng sẽ là một sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, có ý nghĩa và tác động sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật và các hoạt động văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời gian tới.