Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ quản lý, những người thực hành văn hóa đã trao đổi, thảo luận kinh nghiệm, nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hoá, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước về văn hoá… 10 báo cáo tham luận được coi là 10 điểm sáng tiêu biểu trong mô hình xây dựng môi trường văn hóa với những cách làm sinh động bám sát thực tiễn từng địa phương.
Câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở tỉnh Nghệ An là mô hình sinh hoạt tập thể hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, Nghệ An có gần 140 câu lạc bộ dân ca ví, giặm với gần 3.000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân.
Chia sẻ mô hình phát triển câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, xây dựng, phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca ví, giặm và truyền dạy dân ca ví, giặm được xác định là nhiệm vụ thiết thực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Nghị quyết đã tạo động lực thúc đẩy nghệ nhân, nghệ sĩ hăng hái, tích cực tham gia truyền dạy thực hành biểu diễn, duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca ví, giặm; khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia các cuộc thi, liên hoan, các hoạt động giao lưu quảng bá di sản văn hóa địa phương. Việc thành lập câu lạc bộ ở các huyện, thị xã, đặc biệt các huyện miền núi là cơ sở để thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái chia sẻ mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chia sẻ giải pháp về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá gắn với bảo tồn giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh; Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình chia sẻ mô hình Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Từ những cách làm hay, đời sống văn hóa tinh thần, thể chất của nhân dân được nâng cao, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt nhiều thành tựu, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khẳng định vai trò nòng cốt, giá trị văn hóa tốt đẹp được phát huy, hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, toàn ngành văn hóa đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng, hoàn thành tốt các yêu cầu nhiệm vụ, chính trị của từng địa phương, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao du lịch cấp khu vực, quốc gia và địa phương; đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định tập trung vào các nhiệm vụ, trong đó tiếp tục hoàn thiện công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành từ Trung ương đến địa phương; kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch;
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan xây dựng môi trường văn hóa; trong đó nghiên cứu ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, sửa đổi bổ sung Luật Di sản, Luật Quảng cáo, dự thảo nghị định về văn học, trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035;
Tập trung xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia về phát triển bền vững; tổ chức hội nghị quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đề xuất Ban Bí thư đề nghị sửa đổi Quy định 284-QĐ/TW về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật…