Tổ chức thi nhiều đợt cần chú trọng sự công bằng

NDO -

Trong tình hình dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được Bộ GD-ĐT tính toán đến khả năng phải tổ chức nhiều hơn một đợt thi. Bên cạnh sự an toàn, nghiêm túc, trong trường hợp như vậy thì sự công bằng giữa thí sinh và các đợt thi là điều cần chú trọng.

Ảnh: THUỶ NGUYÊN
Ảnh: THUỶ NGUYÊN

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh, Bộ đã xây dựng một số các phương án để thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19 trên tinh thần cơ bản là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn, nghiêm túc.

Kỳ thi đặt ra yêu cầu là dù tổ chức trong hoàn cảnh nào thì vẫn phải nghiêm túc để bảo đảm chất lượng, khách quan, lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tổ chức thi nhiều đợt cần chú trọng sự công bằng giữa các thí sinh -0
 Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh. Ảnh: THUỶ NGUYÊN

Trong điều kiện hiện nay Kỳ thi được lên phương án tổ chức đồng bộ với những điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ông Mai Văn Trinh cho biết, các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh để bảo đảm không bị động.

Theo ông, công việc rất quan trọng là thực hiện rà soát, phân loại các nhóm học sinh lớp 12 dự thi năm nay thành các nhóm F0, F1, F2 để có các phương thức tổ chức thi phù hợp.

Các học sinh diện F0 không tham gia được kỳ thi thì các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định. Đối với thí sinh F1, F2, như mô hình đã thực hiện năm 2020, các địa phương sẽ thành lập các điểm thi/phòng thi riêng cho thí sinh. Các điểm thi này phải được thực hiện các biện pháp khử khuẩn như sát khuẩn, khử trùng, thực hiện chế độ 5K, trang bị các dung dịch khử khuẩn, xà phòng rửa tay, các máy đo thân nhiệt…, cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi cho thí sinh F1 mặc quần áo bảo hộ để chống lây nhiễm chéo.

Với đối tượng F1, theo ông Mai Văn Trinh, quan điểm xuyên suốt là phải bảo đảm an toàn nhất cho học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia các khâu tổ chức thi. Do đó, sẽ phải có những lựa chọn rất cụ thể, phụ thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương. Nếu khu vực cách ly có đủ các điều kiện để thiết lập điểm thi thì sẽ là giải pháp tốt.

Nếu khu vực cách ly không đáp ứng điều kiện thì sẽ bố trí một điểm thi riêng cho thí sinh F1 nằm ngoài khu vực cách ly. Trong trường hợp này, cần chú ý thêm các yêu cầu phòng chống dịch khi di chuyển thí sinh từ địa điểm cách ly đến điểm thi và ngược lại.

Đối với thí sinh diện F2, các em được bố trí thi ở những phòng thi riêng tại điểm thi và cũng phải chú trọng thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng chống dịch.

Trong điều kiện bất khả kháng, căn cứ vào số lượng thí sinh bị F1, căn cứ vào diện thí sinh phân bố, trong điều kiện không thể tổ chức một lần thi, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp các địa phương để tổ chức thêm các đợt thi.

“Dù tổ chức một đợt thi hay nhiều hơn một đợt thi thì quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm an toàn và nghiêm túc. Trong trường hợp như thế này thì sự công bằng giữa thí sinh và các đợt thi cần sự chú ý cao” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Ông cho biết, để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh, Bộ GD-ĐT đã có sự tính toán và trên cơ sở khoa học về xây dựng đề thi Bộ sẽ xây dựng được đề thi phục vụ cho các đợt thi khác nhau nhưng vẫn bảo đảm sự tương đồng về độ khó, không làm ảnh hưởng đến thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau. Cục trưởng cũng khẳng định, thêm, các đợt thi đều được tổ chức trong khuôn khổ cùng một quy chế, bảo  sự nghiêm túc như nhau.  

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch Covid- 19 cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT

Thái Bình lên phương án cho Kỳ thi THPT trong điều kiện phòng chống dịch

Bắc Giang đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2

Có 15 học sinh lớp 12 là F0, Bắc Ninh đề xuất hai phương án thi tốt nghiệp

Những vật dụng thí sinh được và không được phép mang vào phòng thi

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ như thế nào?

Lịch chính thức, chi tiết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021