Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc. Lễ hội không chỉ là dịp người lớn thể hiện sự quan tâm tới con trẻ, là cơ hội đoàn viên mà còn là sân chơi để các em nhỏ tìm hiểu về các phong tục truyền thống của dân tộc. Các cháu thiếu niên, nhi đồng được tham gia tất cả các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, thưởng thức nghệ thuật hoàn toàn miễn phí.
Lễ hội Trung thu năm 2024 diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 16/9, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Tại lễ hội, khách tham quan và các em nhỏ được khám phá Không gian sắp đặt “Tết Trung thu qua những món đồ chơi” với khu trưng bày các loại đồ chơi Trung thu truyền thống: đèn kéo quân, đầu lân sư, tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, lồng đèn cá chép, đèn ông sao, tò he, thiên nga bông, trống ếch... Tại không gian, các em nhỏ sẽ có các hoạt động vui chơi, trải nghiệm như thử làm nghề truyền thống, làm đồ chơi, đồ thủ công.
Các em cũng được nghe kể về lịch sử làng nghề, được xem các nghệ nhân đầy tâm huyết làm nghề, được tự mình làm ra các sản phẩm xinh xắn như nặn gốm, vuốt gốm, ghép tranh gốm, đan móc thủ công, in tranh dân gian - họa màu, làm dép lốp, ép hoa khô, thêu thổ cẩm, chần bông ghép vải, làm bánh truyền thống...
Ngoài ra, những em nhỏ yêu nghệ thuật biểu diễn sẽ có cơ hội trải nghiệm nghệ thuật như tập biểu diễn với những bộ môn xiếc phù hợp như: đi xe đạp 1 bánh; thăng bằng trên con lăn, bóng, thang tre; cà kheo, tung hứng, lắc vòng; bóng bay nghệ thuật..., nghệ thuật Múa rối với các tiết mục rối cạn, rối nước vui nhộn, độc đáo, hấp dẫn và rất gần gũi, cùng với các môn nghệ thuật ca múa nhạc, thời trang, khiêu vũ…
Tại Lễ hội cũng có không gian trải nghiệm thể thao truyền thống như võ thuật cổ truyền, múa lân - sư - rồng, cờ vua….
Trưng bày đồ chơi Trung thu truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, tại lễ hội, còn có các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy, trải nghiệm làm lính cứu hỏa; hướng dẫn các kỹ năng khi gặp sự cố cháy nổ; kỹ năng giải cứu, sơ cứu người bị nạn. Bên cạnh đó, cũng có chương trình trải nghiệm “Lái xe an toàn” tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông cho trẻ em; hướng dẫn các em kỹ năng lái xe an toàn, thực hành trên sa hình, cùng các mini games.
Không gian sáng tạo với các trò chơi học tập, tư duy, sáng tạo, lắp ráp sẽ là nơi thu hút các em nhỏ say mê kỹ thuật, sáng tạo với các hoạt động làm đồ thủ công; thử thách siêu trí nhớ, mini game có thưởng; tư duy logic với đồ chơi giáo dục thông minh; lắp ráp mô hình mini, hướng dẫn giải mã các khối rubik…
Tại Lễ hội, không thể thiếu khu vực trò chơi dân gian và hoạt động ngoài trời gồm các thiết bị vận động ngoài trời, tàu hỏa, máy bay, nhà phao…, cùng các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, bịt mắt bắt dê, cà kheo, nhảy sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Thời gian hướng dẫn trải nghiệm, tương tác diễn ra trong các khung giờ sau: buổi sáng từ 8 giờ 30 - 11 giờ, buổi chiều: 14 giờ 30 - 17giờ, buổi tối: 19 giờ - 21 giờ.