Giải leo núi “Bước chân trên mây” sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10 với hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù, “nóc nhà” của tỉnh Yên Bái. Khoảng 100 vận động viên là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước tham dự giải sẽ có cơ hội thể hiện tài năng, giành phần thưởng hấp dẫn và trải nghiệm một trong những cung đường leo núi ngoạn mục của vùng núi phía bắc.
Đỉnh Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m so mực nước biển, xếp thứ 7 trong số 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Điểm xuất phát của chặng đua là chân núi thuộc thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, tổng quãng đường leo núi là 10km. Đầu mùa thu là thời gian lý tưởng để chinh phục Tà Chì Nhù với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ theo từng độ cao, từ rừng già nguyên sinh, rừng hỗn hợp tán thấp đến đồng cỏ và cây bụi, thảo nguyên hoa tím... cùng biển mây trắng mênh mông trên lưng chừng trời.
Phát biểu tại họp báo, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực tổ chức giải Trần Ngọc Hà chia sẻ: “Ý tưởng tổ chức giải leo núi dành cho người làm báo được Báo Pháp luật Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu ấp ủ và chuẩn bị kỹ lưỡng với mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người làm báo về vai trò, tác dụng của việc luyện tập thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe, thể lực. Lần đầu tiên được tổ chức, giải “Bước chân trên mây” cũng là dịp để các vận động viên tăng cường đoàn kết, cống hiến và sáng tạo những tác phẩm báo chí có giá trị, lan tỏa hình ảnh đẹp về văn hóa, du lịch ở huyện Trạm Tấu nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung”.
Ông Trần Ngọc Hà cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, số lượng vận động viên đăng ký tham gia đã vượt trên mong đợi, Ban tổ chức sẽ tiến hành thẩm định và xét duyệt theo các quy định trong điều lệ giải. Việc giới hạn chỉ 100 vận động viên do điểm lưu trú qua đêm trên đỉnh núi không thể bảo đảm phục vụ tốt nhất nếu vượt quá số người. Nếu giải leo núi được quan tâm, tạo hiệu ứng tốt, trong những lần sau, Ban tổ chức có thể tổ chức tại đỉnh núi khác, phối hợp địa phương khác để mở rộng quy mô.
Đại diện Ban tổ chức cung cấp thông tin về giải. |
Trả lời các câu hỏi của phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Khang A Chua khẳng định, công tác bảo đảm an toàn cho các vận động viên được đặt lên hàng đầu.
“Toàn bộ chi phí đi lại (từ Hà Nội), ăn, nghỉ và mua bảo hiểm leo núi cho các vận động viên được Ban tổ chức hỗ trợ. Ngoài ra, cung đường 10km được bố trí 5 trạm y tế, biển báo an toàn… Giải có 100 vận động viên tham dự nhưng có tới khoảng 70 người tham gia công tác phục vụ, bao gồm lực lượng bộ đội, công an, y tế, người vận chuyển (porter)… Do chặng đường leo núi có nhiều vùng không có sóng điện thoại, các thành viên được trang bị bộ đàm để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt”, ông Khang A Chua nói.
Đáng chú ý, trong thời gian diễn ra giải leo núi, huyện Trạm Tấu tổ chức nhiều hoạt động mang bản sắc văn hoá địa phương như: Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu, trình diễn trang phục dân tộc; gian hàng nông sản địa phương; trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống, không gian văn hóa các dân tộc; trình diễn nghệ thuật làm khèn H’Mông, giao lưu và thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống… Trước và sau cuộc tranh tài, các vận động viên có thể tham gia và trải nghiệm.
Về cơ cấu giải thưởng, giải leo núi “Bước chân trên mây” là hơn 150 triệu đồng. Trong đó có 2 bộ giải thưởng cá nhân dành cho vận động viên nam và vận động viên nữ (mỗi giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng), 2 giải dành cho vận động viên cao tuổi nhất tham gia.
Bên cạnh giải về thành tích thể thao, các nhà báo còn được trao giải theo đúng chuyên môn nghiệp vụ của mình với 4 giải chuyên đề dành cho tác phẩm báo chí hay nhất: báo in, báo điện tử; báo ảnh; video clip (được đăng tải sau khi giải kết thúc không quá 15 ngày).
Một số hình ảnh về hành trình leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) do Ban tổ chức cung cấp:
Cung đường trên mây. |
Thời điểm diễn ra giải là mùa hoa dại tím (thường được dân leo núi, phượt thủ trẻ gọi là hoa "chi pâu") nở rộ trên nhiều sườn núi, thung lũng. |