Tổ chức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh về chất lượng phim

NDO -

Về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, một số đại biểu Quốc hội đề xuất giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với các phim có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn các phim có nội dung khác nên thực hiện đấu thầu để tăng tính cạnh tranh về chất lượng phim giữa các hãng phim truyện và các doanh nghiệp sản xuất phim.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chiều 28/10.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chiều 28/10.

Khoản 4 Điều 15 của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo hình thức: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác).

Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10.

Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam), việc tổ chức đấu thầu với phim sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước là cần thiết, và phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tương. Tuy nhiên, nếu thủ tục đấu thầu hiện nay chưa phù hợp với các quy trình, công đoạn sản xuất phim thì phải điều chỉnh để đơn giản hơn về thủ tục hành chính để phù hợp với thực tế.

“Đối với sản phẩm phim mang tính đặc thù cao, như dòng phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh thì phải thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi”, đại biểu Trinh lưu ý.

Tổ chức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh về chất lượng phim -0
 Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng thực hiện hình thức đấu thầu giúp tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu.

Đại biểu cũng nhất trí với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với các phim có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn các phim có nội dung khác nên thực hiện đấu thầu để tăng tính cạnh tranh chất lượng phim giữa các hãng phim truyện và các doanh nghiệp sản xuất phim.

Có chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung quy định đối với phim phục vụ nhiệm vụ chính trị mức đầu tư như thế nào thì giao nhiệm vụ, đặt hàng. Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định rõ mức kinh phí đối với phim sản xuất bằng ngân sách nhà nước từ bao nhiêu trở nên thì mới cần phải làm dự án, mức kinh phí bao nhiêu thì giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp làm chủ đầu tư dự án, và định mức bao nhiêu thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, do ngân sách còn hạn hẹp, hơn 10 năm gần đây mỗi năm nhà nước đầu tư cho phim khoảng 65 tỷ đồng, mà phải sản xuất khoảng 40 bộ phim, gồm 20 phim cho truyền hình, gần 15 phim tài liệu phóng sự, chỉ còn lại khoảng 1-2 phim.

“Tính ra, mức kinh phí cho mỗi phim trong một năm chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng. Khi đưa ra đấu thầu, gần như không có đơn vị nào tham gia. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội xem xét để có tính toán, chứ không phải không muốn tổ chức đấu thầu”, Bộ trưởng cho hay.

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết

Trong phiên thảo luận trực tuyến, nội dung thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định ở Điều 43 của dự thảo Luật cũng nhận được sự quan tâm và ý kiến góp ý của nhiều đại biểu Quốc hội.

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên bỏ quy định việc thành lập quỹ, bởi nội dung này đã được quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành, tuy nhiên hơn 10 năm qua vẫn chưa triển khai được.

“Việc lập quỹ nên cân nhắc kỹ. Thứ nhất, không làm tăng bộ máy và biên chế. Thứ hai, bảo toàn vốn điều lệ. Thứ 3, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, và nguồn thu phải không trùng với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước”, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh.

Theo đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái), việc thành lập quỹ chưa phải nhu cầu cấp thiết bởi vì hiện nay tham gia vào khu vực điện ảnh thì nguồn lực ngoài nhà nước lớn hơn rất nhiều nguồn lực của nhà nước. Nguồn lực nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho các dự án điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tranh luận các ý kiến trên, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) cho rằng việc thành lập quỹ là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ, hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam thông qua chính các tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao được giới thiệu, phổ biến đến khán giả nước ngoài tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế.

“Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thành lập sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật, qua đó tạo ra được sự hài hòa, phát triển cho các dòng phim của Việt Nam”, đại biểu Thành nêu quan điểm.

Tổ chức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh về chất lượng phim -0
Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) phát biểu trong phiên thảo luận.

Theo đại biểu, sản xuất phim là một lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng có vai trò hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim trong nước.

Nhấn mạnh sự cần thiết của quỹ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng dự thảo Luật phải xác định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế hoạt động của quỹ và cách thức quản lý quỹ; đối tượng hỗ trợ của quỹ tập trung vào các dự án sản xuất các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, phim tham gia liên hoan phim quốc tế.

Phát biểu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những nước có nền điện ảnh phát triển, đều đang áp dụng hình thức quỹ. Bộ trưởng cho rằng việc thành lập quỹ là cần thiết để có thể hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, đồng thời nêu rõ các đối tượng thụ hưởng của quỹ khác với vấn đề đầu tư của Nhà nước.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV