Chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tổ chức thu hồi, sử dụng đất, đá thải tại bãi thải trong quá trình khai thác than tại mỏ Suối Lại để làm vật liệu san lấp cho các dự án công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với khối lượng 3,5 triệu mét khối và thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022 đã được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải khẳng định: Việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng sẽ giải quyết bài toán thiếu nghiêm trọng về vật liệu san lấp đối với các công trình xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận hiện nay. Góp phần giảm áp lực về diện tích bãi thải, cũng như giảm tác động đến môi trường sinh thái, phòng ngừa nguy cơ sạt lở khi có mưa bão và biến đổi khí hậu. Đồng thời giảm chi phí xử lý đất đá thải mỏ, chi phí cải tạo, phục hồi môi trường như hiện nay.
Cùng sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu quỹ đất, vật liệu xây dựng cho các công trình dân dụng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng tăng theo. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2021-2025, nhu cầu vật liệu san lấp để phát triển quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội của các dự án đã đăng ký là khoảng 640 triệu m3. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án đăng ký khoảng 1,02 tỷ mét khối.
Xuất phát từ quá trình khai thác than bằng phương pháp lộ thiên trong hàng chục năm qua đã bốc xúc, đổ thải đất đá thải ra các bãi thải hơn 1 tỷ mét khối với diện tích chiếm đất rất lớn.
Khu vực bãi thải Trụ Nam - mỏ Suối Lại được triển khai thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. |
Hiện nay, lượng đất đá bóc xúc, đổ thải hằng năm hơn 150 triệu mét khối, lượng đất đá này một phần để lấp lại các moong khai thác, cải tạo các tầng thải, cải tạo phục hồi môi trường, còn lại có thể khai thác, chế biến, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Việc sử dụng đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường; phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng thu ngân sách; sau khi kết thúc thu hồi đất đá của các bãi thải sẽ tạo thêm quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp... có thể triển khai các dự án nhà ở cho công nhân.
Thời gian tới, TKV tiếp tục lập quy hoạch các khu vực hoạt động khai thác, sử dụng và kinh doanh đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác và chế biến thuộc Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và dự báo sau năm 2030 gồm 15 địa điểm khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại các vùng: Uông Bí, Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả với tổng khối lượng đất đá thải có thể khai thác, thu hồi khoảng hơn 633 triệu mét khối, bình quân hơn 70 triệu m3/năm.